Giải bóng đá Liga 1 của Indonesia đang đối diện với những thay đổi lớn về quy định sử dụng cầu thủ ngoại binh, hứa hẹn sẽ tác động sâu sắc đến cả giải đấu và các cầu thủ bản địa.

Theo quyết định mới nhất, mỗi đội bóng tại Liga 1 sẽ được phép đăng ký tối đa 11 cầu thủ ngoại binh trong danh sách đăng ký thi đấu, và 8 trong số đó có thể góp mặt trong mỗi trận đấu. Quyết định này được đưa ra sau khi các câu lạc bộ đồng loạt đề xuất thay đổi quy định cũ, vốn chỉ cho phép 6 cầu thủ ngoại binh ra sân cùng lúc. Tổng Giám đốc Liga 1, ông Ferry Paulus, nhấn mạnh rằng sự thay đổi này nhằm nâng cao tính cạnh tranh của giải đấu trên đấu trường châu Á.
Sự điều chỉnh này diễn ra trong bối cảnh các giải đấu cấp châu lục do Liên đoàn Bóng đá châu Á (AFC) tổ chức, như AFC Champions League (ACL) Elite, Two và AFC Challenge, đã loại bỏ giới hạn về số lượng cầu thủ ngoại binh từ mùa giải 2024-2025. Điều này tạo cơ hội cho các câu lạc bộ Đông Nam Á cạnh tranh sòng phẳng hơn với các đối thủ đến từ khu vực Đông Á. Buriram United của Thái Lan là một ví dụ điển hình, khi họ đã lọt vào tứ kết ACL Elite.
Tuy nhiên, do thứ hạng của bóng đá Indonesia trên bảng xếp hạng của AFC còn thấp, Liga 1 chỉ có một suất tham dự vòng play-off để tranh vé vào vòng bảng ACL Two và một suất trực tiếp tham dự AFC Challenge. Ban tổ chức Liga 1 kỳ vọng rằng việc tăng cường sử dụng cầu thủ ngoại binh sẽ giúp các câu lạc bộ thi đấu tốt hơn, từ đó cải thiện vị thế của bóng đá Indonesia trên bản đồ châu lục.
Hiệp hội Cầu thủ Chuyên nghiệp Indonesia (APPI) ủng hộ việc tăng số lượng ngoại binh, với kỳ vọng nâng cao chất lượng giải đấu, tạo điều kiện cho các cầu thủ bản địa học hỏi kinh nghiệm. Tuy nhiên, APPI cũng bày tỏ lo ngại về việc các cầu thủ nội có thể mất cơ hội ra sân, ảnh hưởng đến sự phát triển và khả năng cạnh tranh ở cấp độ cao hơn.

Một cuộc khảo sát do APPI thực hiện cho thấy nhiều cầu thủ Liga 1 phản đối chính sách mới này, trái ngược với sự ủng hộ từ phía các câu lạc bộ. Theo APPI, có khoảng 198 cầu thủ bản địa có nguy cơ mất việc và phải xuống chơi ở các giải hạng thấp hơn hoặc nghiệp dư. Điều đáng nói là hệ thống thi đấu chuyên nghiệp của Indonesia chỉ bao gồm Liga 1 và giải hạng Nhất, không có các giải đấu cúp.
APPI cho rằng việc tăng cường sử dụng ngoại binh chỉ có thể mang lại hiệu quả tích cực nếu được thực hiện trong một nền bóng đá có cấu trúc công bằng và bình đẳng. Hiệp hội này khuyến nghị Liga 1 nên tập trung vào việc phát triển cơ sở vật chất và xây dựng một hệ sinh thái bóng đá chất lượng.
Bên cạnh đó, APPI cũng cảnh báo về những tác động tiêu cực mà chính sách mới có thể gây ra đối với các cấp độ đội tuyển quốc gia. Chủ tịch APPI, ông Andritany Ardhiyasa, dẫn lời huấn luyện viên Patrick Kluivert, người từng nhấn mạnh rằng cầu thủ sẽ không có cơ hội lên tuyển nếu không được ra sân thường xuyên ở câu lạc bộ. Ông cho rằng Liga 1 dường như đang đặt chất lượng giải đấu lên trên thành tích của đội tuyển quốc gia.
So với các giải đấu khác trong khu vực Đông Nam Á, Liga 1 chưa phải là giải đấu sử dụng nhiều ngoại binh nhất. Giải Vô địch Quốc gia Malaysia (MSL) dự kiến sẽ cho phép mỗi đội đăng ký 15 cầu thủ ngoại binh từ mùa giải 2025-2026, với 9 người được phép ra sân trong mỗi trận đấu. Trong khi đó, Thai League 1 của Thái Lan sẽ cho phép mỗi đội đăng ký 7 cầu thủ ngoại binh không phân biệt quốc tịch, và không giới hạn số lượng cầu thủ đến từ các quốc gia Đông Nam Á.
Ở Việt Nam, mỗi đội bóng tại V-League được phép đăng ký 4 cầu thủ ngoại binh. Các đội tham dự các giải đấu cấp châu lục có thể đăng ký tối đa 7 ngoại binh, nhưng chỉ được sử dụng 4 người trong mỗi trận đấu. V-League hiện đang xem xét phương án sử dụng cả 4 ngoại binh trong trận, hoặc giới hạn 3 người trên sân và 1 người dự bị.
Admin
Nguồn: VnExpress