Tăng gấp đôi mức phạt cho vi phạm an toàn thực phẩm

Trước tình trạng thực phẩm bẩn, không rõ nguồn gốc tràn lan trên thị trường, Bộ Y tế đang đề xuất tăng mạnh mức phạt đối với các vi phạm về an toàn thực phẩm, thậm chí có thể gấp đôi so với hiện hành. Đề xuất này được Bộ trưởng Bộ Y tế đưa ra trong văn bản trả lời kiến nghị của cử tri Thành phố Huế trước Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV.

Theo đó, Bộ Y tế đề xuất tăng mức phạt từ 1,2 đến 2 lần đối với nhiều hành vi vi phạm nghiêm trọng, bao gồm vi phạm quy định về tự công bố, đăng ký bản công bố sản phẩm; sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sử dụng phụ gia thực phẩm, chất cấm, hóa chất ngoài danh mục cho phép; vi phạm điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) trong kinh doanh dịch vụ ăn uống và quy định về quảng cáo.

Một hộp sữa bị công an xác định là giả. Ảnh:VTV
Sữa giả: Công an vào cuộc điều tra (Ảnh VTV). Ảnh: Internet

Hiện nay, theo Nghị định 115/2018/NĐ-CP và sửa đổi bởi Nghị định 124/2021/NĐ-CP, hành vi sản xuất hoặc nhập khẩu sản phẩm thuộc diện đăng ký bản công bố mà không thực hiện, hoặc tự công bố, đăng ký công bố không đúng quy định, sẽ bị phạt tiền từ 30 triệu đến 40 triệu đồng. Hành vi sử dụng nguyên liệu không rõ nguồn gốc xuất xứ có thể bị phạt tiền từ 30 triệu đến 40 triệu đồng đối với cá nhân hoặc từ 60 triệu đến 80 triệu đồng đối với tổ chức; hoặc có thể bị phạt từ 1 đến 2 lần giá trị sản phẩm vi phạm trong trường hợp đặc biệt nghiêm trọng.

Ngoài việc tăng mức phạt tiền, Bộ Y tế còn đề xuất tạm ngừng hoạt động quảng cáo đối với các trường hợp vi phạm nghiêm trọng và công bố rộng rãi thông tin để tăng tính răn đe. Đặc biệt, Bộ sẽ yêu cầu các nền tảng mạng xã hội xuyên biên giới gỡ bỏ nội dung vi phạm, khóa tài khoản và tăng cường kiểm duyệt chặt chẽ quảng cáo, nhằm ngăn chặn tình trạng thực phẩm chức năng giả, sữa giả tràn lan trên mạng xã hội, gây ảnh hưởng đến người tiêu dùng.

Thực tế cho thấy, vấn nạn thực phẩm bẩn đang bủa vây người dân, đặc biệt là trẻ em, khi nhiều sản phẩm không nhãn mác, không rõ nguồn gốc được bày bán công khai trước cổng trường học. Trong khi đó, công tác quản lý vệ sinh, an toàn thực phẩm còn nhiều chồng chéo, vướng mắc, với nhiều đầu mối quản lý.

Từ đầu năm đến nay, các cơ quan chức năng đã phát hiện hơn 34.000 vụ vi phạm, trong đó có hơn 8.200 vụ buôn bán hàng cấm, hơn 25.100 vụ gian lận thương mại và hơn 1.100 vụ hàng giả. Tổng số tiền thu về ngân sách từ các vụ việc này là hơn 4.897 tỷ đồng, đồng thời đã khởi tố gần 1.400 vụ án với hơn 2.100 đối tượng. Điều này cho thấy cuộc chiến chống thực phẩm bẩn vẫn đang diễn ra hết sức quyết liệt.

Admin


Nguồn: VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *