Tủ giữ đồ thông minh: Nhận hàng ship qua tin nhắn & QR Code

Tủ giao nhận hàng tự động đang ngày càng được nhiều doanh nghiệp logistics lựa chọn như một giải pháp hiệu quả, thay thế cho phương thức giao hàng tận nhà truyền thống. Ưu điểm của hình thức này là giúp người giao hàng (shipper) giảm thiểu thời gian và công sức, không cần phải giao tận tay từng khách hàng mà chỉ cần đặt hàng vào tủ, người nhận có thể chủ động đến lấy vào thời gian phù hợp.

Shipper đặt hàng vào tủ giao nhận hàng tự động. Ảnh: NVCC
Shipper sử dụng tủ giao nhận hàng tự động. Ảnh: Internet

Trên thế giới, mô hình này đã được triển khai rộng rãi. Đức là một trong những quốc gia tiên phong ở châu Âu, với hệ thống Packstation do DHL vận hành từ năm 2001. Đến nay, khoảng 90% dân số Đức có thể tiếp cận các điểm Packstation trong vòng 10 phút di chuyển. Tại Ba Lan, InPost, một doanh nghiệp bưu chính lớn, cũng sở hữu mạng lưới lên đến 20.000 tủ thông minh. Trung Quốc, thị trường thương mại điện tử lớn nhất toàn cầu, đã có hơn một triệu tủ giao hàng thông minh vào năm 2024, góp phần xử lý khoảng 10% tổng lượng bưu gửi.

Tại Việt Nam, Viettel Post đã bắt đầu triển khai hệ thống tủ giao nhận Smart Box từ cuối năm 2024. Đến giữa năm 2025, mạng lưới này đã mở rộng với hơn 600 tủ được lắp đặt tại nhiều tỉnh thành, tập trung chủ yếu ở các khu dân cư, tòa nhà văn phòng, trường học và bệnh viện.

Mỗi tủ Smart Box được thiết kế với nhiều ngăn chứa có kích thước khác nhau, hoạt động liên tục 24/7 và tích hợp công nghệ IoT (Internet of Things). Người dùng có thể dễ dàng nhận hàng thông qua mã OTP (One-Time Password) hoặc mã QR được gửi qua ứng dụng hoặc tin nhắn SMS. Ngoài ra, hệ thống còn hỗ trợ thanh toán tiền thu hộ (COD) ngay tại tủ thông qua ví điện tử.

Tủ giao nhận hàng tự động được triển khai tại Việt Nam từ năm 2024. Ảnh: NVCC
Tủ giao nhận hàng tự động ra mắt tại Việt Nam (2024). Ảnh: Internet

Ông Hà Anh Dũng, Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ chuyển phát Viettel Post, cho biết một trong những khó khăn thường gặp trong quá trình giao hàng là shipper không liên lạc được với khách hàng hoặc phải quay lại giao nhiều lần. Đặc biệt, tại các đô thị lớn, tình trạng tắc đường và hẻm nhỏ gây không ít trở ngại cho việc di chuyển của shipper.

Theo ông Dũng, “Tủ giao nhận hàng thông minh là giải pháp tối ưu cho khâu chuyển phát nhanh chặng cuối, nơi có chi phí và rủi ro cao nhất trong toàn bộ chuỗi cung ứng.” Đại diện Viettel Post cũng nhấn mạnh rằng hệ thống tủ giao nhận Smart Box không chỉ phục vụ riêng cho doanh nghiệp mà còn hướng đến việc xây dựng một hạ tầng dùng chung, từ đó giảm chi phí cho thị trường và nâng cao chất lượng dịch vụ.

Viettel Post đang chủ trương “xã hội hóa” hạ tầng tủ Smart Box bằng cách hợp tác với các chủ đầu tư bất động sản, ban quản lý tòa nhà, trường học, trung tâm thương mại, chuỗi bán lẻ… nhằm mở rộng mạng lưới giao nhận hàng thông minh trên toàn quốc.

Sự phát triển của Smart Locker được xem là một công cụ quan trọng hỗ trợ hạ tầng bưu chính đô thị, đặc biệt trong bối cảnh thương mại điện tử đang tăng trưởng mạnh mẽ. Theo thống kê của Bộ Khoa học và Công nghệ, doanh thu dịch vụ bưu chính năm 2024 đạt 71.000 tỷ đồng, tăng 21% so với năm 2023, với sản lượng bưu gửi đạt 3,2 tỷ đơn, tăng 32%. Chiến lược phát triển bưu chính đến năm 2022 của Việt Nam cũng đặt mục tiêu xây dựng ngành bưu chính trở thành một hạ tầng thiết yếu cho nền kinh tế số vào năm 2030.

Admin


Nguồn: VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *