Tiếng đồng hồ trong đêm luôn gợi lên trong tôi một nỗi ám ảnh về sự trì hoãn. Cứ đều đặn mỗi đêm, khoảng một giờ sáng, tôi lại thức giấc không phải vì những ồn ào bên ngoài, mà bởi tiếng tích tắc đều đặn phát ra từ chiếc đồng hồ nhỏ trong phòng. Âm thanh ấy, dù rất khẽ, lại vang vọng trong tĩnh mịch, như một lời nhắc nhở dai dẳng: “Bạn sẽ sống cuộc đời trì hoãn này đến bao giờ?”. Tôi không hề ghét chiếc đồng hồ, chỉ là tôi không thể chịu được sự kiên nhẫn đến mức máy móc của nó. Nó cứ lặp đi lặp lại một cách đều đặn, không mệt mỏi, không viện cớ, không một lời than vãn.
Trái ngược với sự cần mẫn của chiếc đồng hồ, tôi đã quá quen với việc trì hoãn mọi thứ. Từ một cuộc gọi xin lỗi còn dang dở, một bản kế hoạch chưa hoàn thành, đến cả những ước mơ thời trẻ cũng bị gác lại với suy nghĩ “để ngày mai cũng được”. Thậm chí, tôi còn trì hoãn cả việc yêu thương bản thân, chỉ vì bận tâm đến những đánh giá của người khác. Mỗi dịp năm mới, tôi lại tự nhủ phải thay đổi, phải đọc nhiều sách hơn, ngủ sớm hơn, hạn chế mạng xã hội, tập thể dục, học ngoại ngữ. Nhưng rồi hết tháng Giêng, tôi lại trì hoãn đến tháng Hai, tháng Ba, và cuối cùng là tự nhủ: “Thôi thì đợi đến giữa năm cũng chưa muộn.”
Và giờ đây, đã là tháng Bảy, tôi vẫn ngồi đây với một thân hình thừa cân, một tâm trí ngập tràn lo âu, và một tập tài liệu vẫn còn nguyên vẹn. Tiếng đồng hồ không ngừng nhắc nhở rằng thời gian không chờ đợi ai cả. Dù biết rõ điều đó, tôi vẫn tiếp tục trì hoãn, bởi sự lười biếng, nỗi sợ hãi, và vì không có ai thúc ép hay nhắc nhở. Có lẽ, tôi vẫn chưa đủ đau để thực sự thay đổi. Nghe có vẻ hèn nhát, nhưng đó lại là sự thật.
Tôi chưa thể thay đổi, không phải vì không biết cách, mà vì tôi đã quá quen với cuộc sống tạm bợ này. Cảm giác “để mai làm” như một liều thuốc gây nghiện, tôi uống nó mỗi ngày mà không nhận ra những hậu quả đang âm thầm tích tụ. Tôi chợt nhớ lời mẹ từng nói: “Con à, cái gì để lâu cũng nguội, kể cả ước mơ.” Lúc đó tôi chỉ cười, nhưng đêm về lại khóc, vì tôi biết mẹ nói đúng. Ước mơ nếu không được nuôi dưỡng, nó sẽ dần lụi tàn. Nó không biến mất ngay lập tức, mà chỉ âm ỉ như đống than tro. Và đến một ngày, tôi sẽ giật mình nhận ra rằng ước mơ của mình đã ngủ yên mãi mãi. Tiếng đồng hồ vẫn tích tắc đều đặn, mỗi nhịp như một cái tát nhẹ vào mặt tôi: “Bạn không còn nhiều thời gian đâu”, “Nếu ngày mai bạn chết, bạn có thấy mình đã sống trọn vẹn chưa?”, “Sao bạn cứ hứa hẹn mà không bao giờ bắt đầu?”. Tôi im lặng, không thể trả lời, vì thật ra tôi cũng không biết.
Tôi sợ hãi chính mình, sợ phải nhìn lại một năm đã qua mà không biết mình đã làm được gì ngoài việc… sống sót. Tôi ghét tiếng đồng hồ, vì nó quá thẳng thắn. Nó không giống như người thân, luôn an ủi và vỗ về. Nó cũng không giống như bạn bè, luôn bảo “cứ từ từ thôi”. Nó chỉ kêu đúng giờ và âm thầm trôi. Tiếng đồng hồ, trong những đêm tôi thao thức, chính là tiếng lương tâm đang cắn rứt. Nó nhắc nhở tôi rằng mỗi lần trì hoãn là tôi đang đánh mất một phần cuộc đời mình. “Không ai cấm bạn sống chậm, nhưng đừng sống mãi như vậy.” Tôi ước mình có thể tắt nó đi, nhưng không, tôi cần nó. Vì nếu không có tiếng tích tắc ấy, có lẽ tôi đã quên mất mình đang dần… trôi dạt.
Tôi ghét tiếng đồng hồ trong đêm. Nhưng tôi biết rằng, nếu một ngày nào đó tôi không còn nghe thấy nó nữa, có lẽ tôi đã thật sự… bỏ cuộc. Tôi không muốn bỏ cuộc. Tôi không muốn sống thêm một năm trì hoãn nữa. Tôi không muốn thức dậy ở tuổi 40 và thốt lên: “Giá như…”. Lúc này là 2 giờ 12 phút sáng, đồng hồ vẫn tích tắc. Tôi vẫn thở. Tôi vẫn sống. Có lẽ, ngày mai tôi sẽ bắt đầu lại. Không cần phải thật hoành tráng. Không cần phải viết một danh sách dài dằng dặc những việc cần làm. Chỉ cần… thực hiện một việc duy nhất mà tôi đã hứa với bản thân từ lâu. Chỉ một việc thôi. Không trì hoãn nữa. Vì tôi biết rằng, thời gian sẽ không trách mắng tôi, nó chỉ lặng lẽ trôi đi, và không chờ đợi ai cả.
Admin
Nguồn: VnExpress