Viêm khớp dạng thấp (RA) là một bệnh tự miễn, trong đó hệ miễn dịch của cơ thể tấn công nhầm vào các mô khỏe mạnh, đặc biệt là lớp lót của khớp, còn gọi là màng hoạt dịch. Màng hoạt dịch này có chức năng sản xuất dịch bôi trơn, giúp các đầu xương trượt lên nhau một cách dễ dàng khi cử động.
Theo thời gian, tình trạng viêm nhiễm kéo dài sẽ gây tổn thương sụn, dẫn đến cứng khớp và biến dạng. Bệnh thường ảnh hưởng đến nhiều khớp cùng lúc, nhưng các khớp ở bàn tay thường bị ảnh hưởng sớm hơn do số lượng khớp ở đây lớn (mỗi bàn tay có 29 khớp), cùng với mạng lưới phức tạp của cơ, dây chằng và gân.
Người bệnh viêm khớp dạng thấp có thể trải qua các triệu chứng như đau nhức, cứng khớp ở bàn tay, khiến các ngón tay sưng phù. Tình trạng viêm tiến triển dần dẫn đến các bất thường ở khớp, làm hạn chế khả năng uốn duỗi của ngón tay. Bệnh cũng có thể lan sang các khớp lớn hơn như đầu gối, mắt cá chân hoặc khuỷu tay.
Các dấu hiệu ban đầu của viêm khớp dạng thấp bao gồm: đau, sưng hoặc cứng ở nhiều khớp; đau thường bắt đầu ở các khớp nhỏ như bàn tay, cổ tay hoặc bàn chân; ảnh hưởng đến các khớp tương ứng ở cả hai bên cơ thể; triệu chứng kéo dài ít nhất 6 tuần; và có thể kèm theo cứng khớp vào buổi sáng kéo dài 30 phút hoặc hơn.
Ngoài ra, người bệnh có thể gặp các triệu chứng phổ biến khác như sụt cân, sốt, suy nhược và mệt mỏi.

Về lâu dài, tình trạng viêm do viêm khớp dạng thấp có thể lan rộng và ảnh hưởng đến các cơ quan khác trong cơ thể, bao gồm tim, phổi, mắt, thận và da. Các biểu hiện có thể bao gồm khô, đau và viêm mắt, nhạy cảm với ánh sáng, xuất hiện các nốt thấp khớp trên da, khó thở, khô miệng, viêm hoặc nhiễm trùng nướu, và giảm số lượng hồng cầu.
Viêm khớp dạng thấp là một bệnh tiến triển, có nghĩa là các triệu chứng sẽ trở nên nghiêm trọng hơn theo thời gian. Các phương pháp điều trị hiện tại như thuốc chống thấp khớp và thuốc kháng viêm không steroid (NSAID) có thể giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh, nhưng không thể chữa khỏi hoàn toàn.
Để giảm đau, sưng hoặc cứng khớp, người bệnh có thể áp dụng các biện pháp tại nhà như chườm nóng hoặc tắm nước ấm để làm mềm các khớp bị cứng, hoặc chườm đá để giảm đau và sưng. Các kỹ thuật thư giãn như thiền và hít thở sâu, châm cứu hoặc massage cũng có thể hữu ích. Sử dụng nẹp ngón tay hoặc cổ tay có thể giúp hỗ trợ các khớp bị tổn thương.
Chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc kiểm soát viêm khớp dạng thấp. Hạn chế tiêu thụ đường, thực phẩm chế biến sẵn, thịt đỏ và sữa nguyên kem có thể giúp giảm viêm. Thay vào đó, nên ưu tiên các loại thực phẩm như trái cây tươi, rau xanh, ngũ cốc nguyên hạt, thịt nạc, cá, các loại đậu và hạt. Người bệnh nên tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn chế độ ăn uống phù hợp, tránh làm triệu chứng bệnh trở nên tồi tệ hơn.
Đối với người bị viêm khớp dạng thấp ở bàn tay, tập thể dục thường xuyên là rất quan trọng để cải thiện triệu chứng, duy trì khả năng vận động và chức năng của khớp, chẳng hạn như khả năng cầm nắm. Các bài tập đơn giản như bóp một quả bóng mềm hoặc gập lần lượt từng ngón tay có thể mang lại lợi ích.
Ngoài ra, nên tập thể dục toàn thân thường xuyên với các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, bơi lội hoặc giãn cơ. Điều này giúp tăng cường sức mạnh và phạm vi chuyển động của khớp, cải thiện chức năng hàng ngày và duy trì cân nặng hợp lý. Tuy nhiên, người bệnh nên ngừng tập nếu cảm thấy đau nhiều.
Khi gặp các triệu chứng bất thường như đau dai dẳng hoặc cứng khớp, khớp ấm khi chạm vào, khó di chuyển hoặc tham gia vào các hoạt động hàng ngày, người bệnh nên đi khám bác sĩ để được chẩn đoán và điều trị kịp thời. Những người đã được chẩn đoán mắc bệnh nên đến bác sĩ nếu có bất kỳ triệu chứng mới nào xuất hiện.
Admin
Nguồn: VnExpress