Tại hội thảo “Kinh tế số và TFP: Nền tảng đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam” diễn ra ngày 10/7, GS.TS Vũ Minh Khương từ Trường Chính sách công Lý Quang Diệu, Đại học Quốc gia Singapore, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc cải thiện năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) để Việt Nam đạt được các mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng.
Việt Nam hiện đang hướng tới mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên trong năm nay, đạt mức tăng trưởng hai con số trong những năm tiếp theo và trở thành một quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.
GS.TS Vũ Minh Khương đã đưa ra hai kịch bản để Việt Nam có thể đạt được mục tiêu này. Theo kịch bản thứ nhất, GDP bình quân đầu người của Việt Nam cần tăng trưởng 5,5% mỗi năm. Đến năm 2045, thu nhập bình quân đầu người sẽ đạt 11.000 USD, tương đương với mức của Malaysia vào năm 2021. Ở kịch bản thứ hai, nếu GDP bình quân đầu người tăng trưởng liên tục ở mức 6,5% trong vòng 20 năm, con số này sẽ đạt 15.000 USD vào năm 2045, đây là ngưỡng thấp nhất của nhóm các quốc gia có thu nhập cao. Nếu duy trì được tốc độ này, Việt Nam có thể đạt mức thu nhập bình quân đầu người khoảng 20.000 USD vào năm 2050.
Tuy nhiên, để hiện thực hóa những mục tiêu này, GS.TS Vũ Minh Khương cho rằng Việt Nam cần đặc biệt chú trọng đến việc cải thiện chỉ số TFP. Đây là một thước đo quan trọng để đánh giá hiệu quả hoạt động của một nền kinh tế hoặc doanh nghiệp, phản ánh đóng góp của các yếu tố đầu vào vào tăng trưởng kinh tế.
GS.TS Vũ Minh Khương nhận định, TFP bình quân của Việt Nam hiện còn thấp hơn so với các quốc gia có thu nhập cao. Do đó, để phát triển, Việt Nam cần thúc đẩy tăng trưởng trên một “quỹ đạo mới”.
Đồng tình với quan điểm này, GS Tan Swee Liang từ Đại học Quản lý Singapore cho rằng, khi các yếu tố về vốn và lao động đã được sử dụng tối đa, thì chỉ có sự gia tăng về năng suất mới có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, TFP đóng vai trò là động lực chính cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.
Kinh tế số được xem là một công cụ hữu hiệu để tăng TFP thông qua việc cải tiến hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D), giảm chi phí và nâng cao hiệu quả quản trị. Các công nghệ như tự động hóa, phân tích dữ liệu lớn, IoT và AI có thể giúp tối ưu hóa quy trình sản xuất, nâng cao hiệu quả và tạo ra giá trị gia tăng.
Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã đặt ra mục tiêu cụ thể cho Việt Nam đến năm 2030, trong đó TFP sẽ đóng góp trên 55% vào tăng trưởng kinh tế và tỷ trọng xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao đạt tối thiểu 50%. Cùng với đó, quy mô kinh tế số được kỳ vọng đạt tối thiểu 30% GDP, và hướng tới 50% vào năm 2045.
Một báo cáo từ nhóm nghiên cứu thuộc Đại học Quốc gia TP HCM cũng chỉ ra rằng, năng suất nhân tố tổng hợp là nguồn đóng góp chính cho tăng trưởng GDP dài hạn. Các quốc gia như Mỹ, Hàn Quốc và Đức đã thành công nhờ vào “tăng trưởng sâu” dựa trên đổi mới sáng tạo, R&D và công nghệ cao.

Ngược lại, các nước đang phát triển như Ấn Độ, Indonesia, Philippines và Việt Nam vẫn chủ yếu dựa vào vốn, lao động giá rẻ và chuyển dịch cơ cấu. Điều này dẫn đến tăng trưởng TFP chậm và thiếu ổn định do hạn chế về hạ tầng, thể chế và đổi mới công nghệ, khiến các quốc gia này dễ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình”. Tại Việt Nam, TFP chỉ đóng góp khoảng 30-35% vào tăng trưởng GDP trong giai đoạn 2010-2020, thấp hơn nhiều so với mức trên 50% ở các nước OECD.
Nhóm nghiên cứu này nhấn mạnh sự cần thiết của việc cải cách thể chế, đầu tư vào R&D, nâng cao chất lượng giáo dục và thúc đẩy chuyển đổi số để đạt được tăng trưởng bền vững.
Để thúc đẩy TFP, GS.TS Vũ Minh Khương khuyến nghị các nhà quản lý cần thay đổi chiến lược quản lý ở tất cả các cấp, từ trung ương đến địa phương. Việt Nam cũng cần chuyển dịch cơ cấu từ lao động, vốn, đất đai, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, ưu tiên đổi mới sáng tạo và đầu tư mạnh vào công nghệ. Ông đề xuất thành lập một quỹ để mua công nghệ từ nước ngoài, hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
TS Nguyễn Quang Vinh, chuyên gia từ Ngân hàng Thế giới (WB), cho rằng các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo đóng vai trò quan trọng trong việc chuyển dịch từ khu vực năng suất thấp sang năng suất cao. Tuy nhiên, theo khảo sát gần đây của WB, tỷ lệ doanh nghiệp Việt Nam đạt trên mức trung bình còn rất thấp, và phần lớn các hoạt động đổi mới chỉ mang tính nội bộ. Khoảng 80% doanh nghiệp đổi mới chỉ tập trung vào cải tiến quy trình hiện tại mà chưa tạo ra giá trị mới cho thị trường. Hơn nữa, đầu tư cho R&D mới chỉ chiếm 0,5% GDP, trong khi mục tiêu là 2%.
TS Nguyễn Quang Vinh khuyến nghị Việt Nam cần thúc đẩy lan tỏa công nghệ, đồng thời khuyến khích doanh nghiệp đầu tư mạnh mẽ vào R&D để thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình.
Các chuyên gia cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo đồng bộ, với sự liên kết chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà khoa học và doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần phát triển hạ tầng số, thúc đẩy chuyển đổi số trong các lĩnh vực như giáo dục, y tế, tài chính, logistics và quản lý công.
Từ góc độ cơ quan quản lý, ông Phạm Đại Dương, Phó trưởng ban Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương, nhấn mạnh vai trò quan trọng của TFP trong việc đánh giá năng suất và hiệu quả tăng trưởng. Ông cũng lưu ý rằng, các nhà quản lý cần thống nhất phương pháp tính toán phù hợp để đảm bảo các con số phản ánh đúng thực tế khi hoạch định chính sách.
Ông Phạm Đại Dương cho biết, Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương sẽ tiếp tục tham khảo ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học, cơ quan trung ương, địa phương và doanh nghiệp để hoàn thiện cách tiếp cận, phương pháp đo lường và cơ chế chính sách trong lĩnh vực năng suất tổng hợp và kinh tế số.
Admin
Nguồn: VnExpress