Hỗ trợ 1 triệu hộ kinh doanh chuyển đổi doanh nghiệp

Tại hội thảo “Kinh tế số và TFP: Nền tảng đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Việt Nam” diễn ra ngày 10/7, ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Kinh tế số và xã hội số (Bộ Khoa học và Công nghệ), đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chuyển đổi số cho doanh nghiệp, đặc biệt là các đơn vị nhỏ và vừa, hợp tác xã và hộ kinh doanh, coi đây là “nhiệm vụ cấp bách” để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Theo đó, dự thảo Đề án chuyển đổi số doanh nghiệp đang được trình lên Thủ tướng Chính phủ, đề xuất chương trình chuyển đổi 1 triệu hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, nhằm thực hiện Nghị quyết 68 về phát triển kinh tế tư nhân.

Ông Trần Minh Tuấn, Vụ trưởng Kinh tế số và xã hội số (Bộ Khoa học - Công nghệ), phát biểu tại hội thảo, ngày 10/7. Ảnh: Nguyễn Thủy
Ông Trần Minh Tuấn phát biểu về Kinh tế số tại hội thảo. Ảnh: Internet

Dự kiến, Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với các bộ ngành, địa phương triển khai miễn phí các ứng dụng số cơ bản, hỗ trợ đăng ký doanh nghiệp, chữ ký số, hóa đơn điện tử và thanh toán trực tuyến cho các hộ kinh doanh chuyển đổi. Đồng thời, Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ sẽ phối hợp xây dựng nền tảng dịch vụ một cửa, tích hợp các thủ tục hành chính liên quan đến chuyển đổi, hỗ trợ tư vấn pháp lý, kế toán, quản trị doanh nghiệp và kết nối với các doanh nghiệp cung cấp nền tảng.

Đề án cũng hướng tới việc thực hiện trực tuyến 100% thủ tục, định danh qua VNeID, đảm bảo thời gian xử lý nhanh chóng và minh bạch. Ngoài ra, các hộ kinh doanh, doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã sẽ được hỗ trợ chuyển đổi số, đổi mới công nghệ để tăng năng suất lao động từ 20-30%.

Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến cuối năm 2024, cả nước có khoảng 3,6 triệu hộ, cá nhân kinh doanh đang được quản lý thuế, trong đó có 2,2 triệu hộ kinh doanh ổn định. Tổng thuế thu từ khu vực này đạt gần 26.000 tỷ đồng vào năm ngoái. Đáng chú ý, có nhiều hộ kinh doanh có doanh thu lớn, tương đương với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Thống kê cho thấy có hơn 4.000 hộ có doanh thu trên 10 tỷ đồng, trong đó 860 hộ có doanh thu từ 30 tỷ đồng trở lên và 5 hộ ghi nhận doanh thu trên 200 tỷ đồng mỗi năm, hoạt động trong các lĩnh vực thủy sản, thực phẩm, dược phẩm, giáo dục và nông sản.

Nghị quyết 68 của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2030 cả nước có 2 triệu doanh nghiệp và 3 triệu doanh nghiệp vào năm 2045, tương đương với việc mỗi năm có thêm 30.000-40.000 doanh nghiệp. Các chuyên gia nhận định, việc phát triển từ hộ kinh doanh lên doanh nghiệp sẽ thúc đẩy tăng trưởng khu vực kinh tế tư nhân. Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/10 quy định thuế suất ưu đãi 15-17% áp dụng với doanh nghiệp có tổng doanh thu năm tối đa lần lượt 3 tỷ và 50 tỷ đồng, thấp hơn so với mức chung 20%.

Cũng tại hội thảo, đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ dẫn số liệu từ Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) cho thấy năng suất lao động của Việt Nam chỉ bằng một phần mười Singapore và bằng ba phần tư so với Trung Quốc, cho thấy khoảng cách phát triển giữa Việt Nam với các nước ngày càng lớn nếu không có sự chuyển đổi mạnh mẽ.

Trong bối cảnh Việt Nam dự kiến tăng trưởng ít nhất 8% trong năm nay, tạo nền tảng hướng tới mức hai chữ số trong giai đoạn tới, ông Tuấn nhấn mạnh rằng việc thúc đẩy chuyển đổi số là giải pháp quan trọng để vượt qua thách thức, tạo cơ hội lớn để nâng cao năng suất lao động, tạo giá trị gia tăng cao và đóng góp vào tăng trưởng kinh tế.

Admin


Nguồn: VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *