Mẹo chữa bỏng bô xe máy tại nhà, giảm sẹo hiệu quả

Bỏng bô xe máy là một tai nạn thường gặp, gây tổn thương da do tiếp xúc với bề mặt kim loại nóng của bô xe. Các triệu chứng thường thấy bao gồm đau rát, sưng đỏ và phồng rộp, đặc biệt ở tay và chân. Theo BS.CKII Nguyễn Thị Ngọc Yến, Trưởng khoa Da liễu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, thời gian hồi phục của vết bỏng bô phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mức độ bỏng, phương pháp sơ cứu ban đầu, sức đề kháng của cơ thể, chế độ dinh dưỡng và cách chăm sóc vết thương.

Thông thường, các vết bỏng nhẹ sẽ nhanh chóng lành và ít để lại sẹo nếu được sơ cứu và chăm sóc đúng cách. Ngược lại, nếu không được chăm sóc cẩn thận, vết thương có thể bị nhiễm trùng, hoại tử, hoặc để lại sẹo thâm, sẹo lồi gây mất thẩm mỹ.

Để giảm thiểu tổn thương và ngăn ngừa các biến chứng, bác sĩ Yến khuyến cáo người bị bỏng cần thực hiện sơ cứu nhanh chóng theo các bước sau:

Ngay lập tức làm mát vùng da bị bỏng bằng cách xả dưới vòi nước mát và sạch (khoảng 16-20 độ C) trong vòng 15-20 phút. Điều này giúp giảm mức độ tổn thương và xoa dịu cảm giác đau rát. Lưu ý, phương pháp này hiệu quả nhất trong 30 phút đầu sau khi bị bỏng. Tránh sử dụng nước lạnh hoặc đá để chườm lên vết bỏng, vì có thể làm giảm nhiệt độ cơ thể, gây co mạch máu và làm tình trạng bỏng trở nên nghiêm trọng hơn.

Rửa sạch vết bỏng bằng dung dịch sát khuẩn loãng, nước muối sinh lý hoặc cồn y tế nếu vết bỏng ở mức độ nhẹ. Sau đó, che phủ vết thương bằng gạc vô trùng một cách nhẹ nhàng, tránh quấn băng quá chặt để không gây thêm tổn thương cho da.

Đối với các vết bỏng có vết phồng rộp lớn, cần quấn băng gạc lỏng. Tuyệt đối không làm vỡ các mụn nước này, vì có thể dẫn đến nhiễm trùng, gây đau đớn và dễ để lại sẹo. Hiện nay, có các loại băng gạc chứa hydrocolloid chuyên dụng cho sơ cứu vết bỏng, giúp vết thương nhanh lành, giảm đau và hạn chế sẹo.

Thay băng và vệ sinh vết bỏng hàng ngày để loại bỏ bụi bẩn, vi khuẩn và tế bào chết trên bề mặt da, từ đó giảm nguy cơ nhiễm trùng và thúc đẩy quá trình hồi phục. Luôn làm ẩm băng cũ trước khi tháo ra để thay bằng băng mới. Vệ sinh vết thương bằng nước muối sinh lý hoặc dung dịch sát khuẩn nhẹ nhàng, tránh làm vỡ các nốt phồng rộp, sau đó lau khô bằng bông gòn vô trùng. Đặc biệt, trẻ nhỏ bị bỏng cần được giữ gìn để tránh chạm tay làm trầy xước vết thương.

Bác sĩ khoa Da liễu tư vấn cho một người bệnh. Ảnh minh họa: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội
Tư vấn da liễu từ bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh (Ảnh). Ảnh: Internet

Sử dụng thuốc trị bỏng chứa các hoạt chất sát khuẩn, giữ ẩm và tái tạo da như sulfadiazine bạc, panthenol… theo chỉ định của bác sĩ. Các loại thuốc này giúp làm mềm da và hỗ trợ quá trình tái tạo da. Nếu cảm thấy đau rát nhiều, có thể dùng thêm thuốc giảm đau.

Tuyệt đối không áp dụng các mẹo dân gian để chữa bỏng như bôi nước mắm, nước tương, dầu mỡ, đắp trứng gà, thuốc lá, mỡ trăn, kem đánh răng hoặc thuốc Đông y không rõ nguồn gốc. Những phương pháp này chỉ có tác dụng giảm nhiệt ở bề mặt da mà không làm giảm nhiệt ở các tổ chức sâu hơn, không giúp giảm nhẹ mức độ bỏng, mà còn tiềm ẩn nguy cơ nhiễm trùng và hoại tử da.

Bổ sung đầy đủ dinh dưỡng để cơ thể hồi phục nhanh chóng, tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch. Uống nhiều nước và hạn chế các loại thức ăn chiên rán nhiều dầu mỡ, đồ ngọt, thực phẩm đóng hộp, thức ăn nhanh, đồ uống có gas, bia rượu…

Thường xuyên massage nhẹ nhàng vùng da bị bỏng để hạn chế hình thành sẹo cứng hoặc co kéo. Tránh tự ý bóc vảy hoặc da non khi vết bỏng đang lành, vì có thể gây tổn thương sâu hơn và tăng nguy cơ sẹo lồi. Có thể tham khảo ý kiến bác sĩ về việc sử dụng kem chống nắng, kem ngừa sẹo hoặc mỡ kháng sinh khi da bắt đầu liền.

Trong quá trình tái tạo da, có thể dùng gel nha đam hoặc nghệ bôi lên vùng da bị bỏng để cấp ẩm và thúc đẩy sự phát triển của da non. Tránh để vết thương khô và bong tróc quá nhanh, vì dễ hình thành sẹo cứng. Hạn chế để vùng da non tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời, vì tia UV có thể làm sẫm màu da và hình thành sẹo thâm.

Người bệnh cần theo dõi sát sự tiến triển của vết bỏng. Nếu sau vài tuần, da có biểu hiện sưng cứng, nổi cộm hoặc màu sắc bất thường, cần đến khám bác sĩ da liễu để được can thiệp kịp thời.

Các trường hợp bỏng bô nặng (từ cấp độ hai trở lên), bỏng ở các vị trí đặc biệt như vùng mặt, bộ phận sinh dục, vết bỏng sâu với diện tích lớn hơn 3-5 cm, phồng rộp nhiều, hoặc bỏng nhẹ nhưng có dấu hiệu nhiễm trùng (sưng đau, chảy dịch), sốt hoặc đau dữ dội… cần đến bệnh viện ngay lập tức. Bác sĩ có thể chỉ định điều trị bằng thuốc, thay băng chuyên biệt, can thiệp ghép da hoặc vật lý trị liệu nếu tổn thương sâu. Trẻ nhỏ, người có bệnh nền và người già bị bỏng cần được bác sĩ theo dõi chặt chẽ.

Admin


Nguồn: VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *