Vùng dưới đồi, một cấu trúc nằm sâu trong não giữa, đóng vai trò then chốt trong việc duy trì sự cân bằng nội môi của cơ thể. Chức năng của nó bao gồm kiểm soát hệ nội tiết, hệ thần kinh tự chủ, và điều hòa các quá trình sinh lý quan trọng như nhiệt độ cơ thể, cảm giác thèm ăn, cân nặng, sự tăng trưởng, chu kỳ giấc ngủ, ham muốn tình dục, cảm xúc và hành vi.
Các tổn thương hoặc bệnh lý tại vùng dưới đồi có thể biểu hiện triệu chứng rất đa dạng, phụ thuộc vào vị trí và mức độ ảnh hưởng. Một số triệu chứng thường gặp bao gồm buồn nôn và nôn, tăng hoặc hạ natri máu, và tình trạng tiểu nhiều. Các rối loạn chức năng vùng dưới đồi có thể phát sinh do nhiều nguyên nhân khác nhau như khối u, chấn thương, biến chứng phẫu thuật, viêm nhiễm, chứng chán ăn tâm thần, béo phì khởi phát nhanh, hoặc các rối loạn di truyền.
Phần lớn các hội chứng rối loạn chức năng vùng dưới đồi đều ảnh hưởng đến hoạt động của trục dưới đồi – tuyến yên – tuyến thượng thận. Ngoài ra, các rối loạn liên quan đến vùng dưới đồi còn tác động đến việc sản xuất và điều tiết hai hormone thần kinh quan trọng là vasopressin và oxytocin. Vasopressin đóng vai trò quan trọng trong quá trình tái hấp thu nước ở ống thận, trong khi oxytocin tham gia vào các hoạt động như co thắt tử cung khi chuyển dạ, phản xạ tống sữa và các phản ứng tình dục.

Ở trẻ em, rối loạn chức năng vùng dưới đồi có thể biểu hiện qua các dấu hiệu như chậm phát triển chiều cao, béo phì, hạ thân nhiệt, chậm phát triển trí tuệ, co giật toàn thân, dậy thì muộn hoặc thậm chí dậy thì sớm. Sự thiếu hụt hormone có thể dẫn đến suy giáp trung ương hoặc suy tuyến thượng thận, gây ra các biến chứng toàn thân nghiêm trọng, đặc biệt là các vấn đề về tim mạch. Sự suy giảm hormone sinh dục tuyến yên và oxytocin có thể gây ra các vấn đề như vô sinh, rối loạn cương dương, khó khăn trong việc cho con bú, các vấn đề khi chuyển dạ, loãng xương, giảm ham muốn và phản ứng tình dục.
Việc điều trị rối loạn chức năng vùng dưới đồi phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh cũng như các triệu chứng cụ thể mà bệnh nhân gặp phải. Các phương pháp điều trị có thể bao gồm xử lý các khối u (nếu có), bổ sung hoặc thay thế hormone bị thiếu hụt. Trong trường hợp con bạn có các dấu hiệu nghi ngờ rối loạn vùng dưới đồi, bạn nên đưa trẻ đến khám tại các bệnh viện có chuyên khoa Nội tiết để được bác sĩ chẩn đoán chính xác nguyên nhân và tư vấn phác đồ điều trị phù hợp.
Admin
Nguồn: VnExpress