Mụn nước là tình trạng da liễu thường gặp, biểu hiện là những nốt nhỏ chứa dịch bên trong, có thể gây khó chịu và bất tiện cho người bệnh. Các mụn nước này có xu hướng dễ vỡ, sau khi vỡ sẽ để lại một lớp màng vàng đóng vảy trên da.
Về đặc điểm, mụn nước thường có kích thước nhỏ, đường kính dưới 0,5 cm và trông như những bong bóng chứa dịch trên da. Do cấu trúc mỏng manh, chúng rất dễ vỡ, đặc biệt là khi kích thước lớn, gây đau đớn cho người bệnh. Khi mụn nước vỡ, dịch bên trong sẽ thoát ra, khô lại và tạo thành lớp vảy màu vàng. Vùng da xung quanh mụn nước cũng có thể bị viêm nhiễm. Nếu mụn nước vỡ trước khi da bên dưới kịp lành, nguy cơ nhiễm trùng sẽ tăng cao.
Mụn nước có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân khác nhau, bao gồm:
* Nhiễm trùng do vi khuẩn: Các bệnh như viêm quầng hoặc chốc lở, thường xuất hiện quanh khu vực mũi và miệng, có thể gây ra mụn nước.
* Nhiễm virus: Một số bệnh nhiễm virus liên quan đến phát ban và mụn nước bao gồm herpes, tay chân miệng, thủy đậu, zona và giang mai.
* Viêm da tiếp xúc: Da có thể phản ứng bằng cách nổi mụn nước khi tiếp xúc với các chất gây kích ứng hoặc dị ứng như thành phần trong xà phòng, mỹ phẩm.
* Mẩn ngứa do nhiệt: Tình trạng này xảy ra khi các tuyến mồ hôi bị tắc nghẽn, khiến mồ hôi bị giữ lại dưới da.
* Các nguyên nhân khác: Ma sát trên da, đau chân do đi giày mới, bỏng, tiếp xúc với hóa chất, nấm da chân và chàm cũng có thể gây ra mụn nước.
Việc chẩn đoán mụn nước thường khá dễ dàng do chúng xuất hiện rõ trên bề mặt da. Các phương pháp chẩn đoán có thể bao gồm:
* Kiểm tra tiền sử bệnh của bệnh nhân.
* Khám lâm sàng bằng phương pháp soi da.
* Xét nghiệm máu để xác định nguyên nhân gây bệnh.
* Xét nghiệm các bệnh lây truyền qua đường tình dục (STI).
* Sinh thiết da: Lấy mẫu mụn nước để kiểm tra dưới kính hiển vi.
Phương pháp điều trị mụn nước phụ thuộc vào nguyên nhân gây bệnh. Các biện pháp điều trị có thể bao gồm:
* Loại bỏ hoặc giảm tiếp xúc với các chất gây dị ứng.
* Đắp gạc mát lên vùng da bị mụn nước.
* Tắm với bột yến mạch để làm dịu da.
* Sử dụng kem dưỡng ẩm và kem chống ngứa.
Trong nhiều trường hợp, bác sĩ có thể chỉ định các loại thuốc như thuốc không kê đơn (OTC), steroid bôi ngoài da, thuốc kháng viêm không steroid (NSAID), thuốc kháng histamin đường uống, thuốc kháng nấm, thuốc kháng virus hoặc thuốc kháng sinh.
Người bệnh cần đi khám sớm nếu mụn nước có kích thước lớn bất thường, ngày càng nhiều hơn, lan rộng trên cơ thể hoặc thay đổi màu sắc, hình dạng. Các dấu hiệu nhiễm trùng như sốt, đau đầu, ớn lạnh, mệt mỏi, đau nhức cơ và sưng hạch bạch huyết cũng là những dấu hiệu cần được thăm khám để có phương pháp điều trị phù hợp.
Để phòng ngừa mụn nước, bạn có thể áp dụng các biện pháp sau:
* Tránh tiếp xúc với các chất gây dị ứng đã biết.
* Không dùng chung các vật dụng cá nhân như ống hút, cốc và các sản phẩm chăm sóc da, môi với người khác.
* Thực hiện vệ sinh cá nhân tốt, đặc biệt là rửa tay thường xuyên.
* Kiểm soát các bệnh mãn tính để hạn chế nguy cơ bùng phát mụn nước.
* Sử dụng bao cao su và các biện pháp bảo vệ khác khi quan hệ tình dục.
* Phát hiện sớm các bệnh lây truyền qua đường tình dục bằng cách sàng lọc định kỳ.
* Tiêm phòng đầy đủ các loại vaccine như thủy đậu và zona.
Admin
Nguồn: VnExpress