6 Bài Tập Phục Hồi Bàn Chân Bẹt Tại Nhà Sau Phẫu Thuật

Bàn chân bẹt, hay còn gọi là tình trạng mất hõm cong tự nhiên ở lòng bàn chân khi đứng, không chỉ gây khó khăn trong vận động hàng ngày mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài. Tình trạng này có thể dẫn đến lệch trục từ cổ chân lên khớp gối, làm tăng khả năng thoái hóa khớp và gây tác động tiêu cực đến cột sống. Phẫu thuật chỉnh hình bàn chân bẹt có thể giúp giảm đau, tái tạo vòm bàn chân và cải thiện chức năng vận động.

Theo Thạc sĩ Trần Văn Dần, Kỹ thuật viên trưởng khoa Phục hồi chức năng tại Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, việc tập luyện đúng cách và đầy đủ sau phẫu thuật chỉnh vòm bàn chân bẹt đóng vai trò then chốt trong việc giảm đau, tái tạo vòm chân và duy trì sự ổn định lâu dài. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, chương trình tập luyện kết hợp các nhóm cơ ở bàn chân, cẳng chân và hông mang lại hiệu quả cao nhất.

Thạc sĩ Dần hướng dẫn một số bài tập đơn giản, dễ thực hiện tại nhà, giúp người bệnh củng cố vòm bàn chân, tăng cường khả năng giữ thăng bằng và đẩy nhanh quá trình phục hồi.

**Kéo giãn gân gót:** Bài tập này giúp kéo giãn gân Achilles và cơ bắp chân, giảm căng thẳng cho bàn chân và hỗ trợ phục hồi vòm chân sau phẫu thuật. Để thực hiện, đứng đối diện tường, đặt hai tay lên tường ngang vai. Bước một chân lên phía trước, hơi gập gối. Chân còn lại duỗi thẳng ra sau, gót chân chạm đất. Từ từ nghiêng người về phía tường cho đến khi cảm thấy căng ở bắp chân của chân duỗi thẳng. Giữ tư thế này trong khoảng 20-30 giây và lặp lại 2-3 lần cho mỗi chân.

**Nâng ngón chân:** Bài tập này giúp tăng cường sức mạnh cho các cơ nhỏ ở cổ bàn chân, hỗ trợ trực tiếp vào việc tái tạo khả năng nâng đỡ vòm bàn chân. Ngồi trên ghế, đặt hai bàn chân trên sàn. Giữ gót chân cố định, từ từ nhấc tất cả các ngón chân lên khỏi sàn càng cao càng tốt, giữ trong vài giây rồi hạ xuống từ từ. Lặp lại động tác này 3 hiệp, mỗi hiệp khoảng 10-15 lần cho mỗi bàn chân.

**Lăn bóng với bàn chân:** Bài tập này giúp giải phóng cân gan chân, tăng cường lưu thông máu và cải thiện sự linh hoạt của vòm bàn chân. Đây là một phương pháp tự massage hiệu quả, đặc biệt hữu ích trong giai đoạn sau phẫu thuật khi các mô mềm còn co cứng hoặc mất linh hoạt. Ngồi trên ghế, đặt một quả bóng tennis hoặc bóng gai dưới lòng bàn chân. Chậm rãi lăn quả bóng từ gót chân đến các ngón chân và ngược lại, tạo một áp lực vừa phải. Tập trung vào phần vòm và những điểm cảm thấy căng. Thực hiện bài tập này trong khoảng 2-3 phút cho mỗi bàn chân.

**Nâng vòm chân:** Bài tập này giúp kích hoạt và phát triển các cơ nằm sâu dưới lòng bàn chân, cải thiện vòm chân một cách nhanh chóng và bền vững. Ngồi hoặc đứng, đặt bàn chân trên sàn. Cố gắng nâng vòm chân lên khỏi sàn mà không nhấc các ngón chân hoặc gót chân. Có thể tưởng tượng như đang kéo các ngón chân về phía gót chân mà không nhấc chân lên. Giữ tư thế này trong khoảng 5-10 giây, sau đó thư giãn. Lặp lại 3 hiệp, mỗi hiệp khoảng 10-15 lần cho mỗi bàn chân.

Bác sĩ thực hiện phẫu thuật bàn chân bẹt. Ảnh: Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh
Phẫu Thuật Bàn Chân Bẹt: Góc Nhìn Từ Bác Sĩ BV Đa Khoa Tâm Anh. Ảnh: Internet

**Nhặt đồ bằng ngón chân:** Bài tập này không chỉ cải thiện sự khéo léo mà còn tăng cường sức mạnh của các cơ ngón chân và cơ bàn chân, từ đó tăng cường cảm giác và khả năng vận động sau phẫu thuật. Ngồi trên ghế, sử dụng các ngón chân để nhặt từng vật nhỏ trên sàn và đặt vào một chiếc cốc hoặc hộp bên cạnh. Thực hiện bài tập này trong khoảng 2-3 phút cho mỗi bàn chân.

**Nâng gót chân với bục:** Bài tập này giúp tăng cường sức mạnh cho toàn bộ chân, đồng thời khuyến khích duy trì vòm bàn chân ổn định khi chịu trọng lượng cơ thể trong quá trình phục hồi. Đặt một bục nhỏ cao khoảng 10-15 cm trước mặt. Đứng thẳng, bước một chân lên bục, đảm bảo toàn bộ bàn chân chạm bục và vòm chân được nâng đỡ tốt. Nâng cơ thể lên cho đến khi chân trên bục thẳng, sau đó từ từ hạ chân xuống sàn. Lặp lại 3 hiệp, mỗi hiệp khoảng 10-15 lần cho mỗi chân.

Thạc sĩ Dần cũng lưu ý rằng để đảm bảo an toàn, người bệnh nên bắt đầu với cường độ tập luyện nhẹ nhàng, thực hiện các bài tập 3-4 lần mỗi tuần. Nếu cảm thấy đau nhiều hơn mức trung bình, nên giảm cường độ tập hoặc dừng lại và tham khảo ý kiến của chuyên gia. Ngoài ra, nên kết hợp sử dụng giày hỗ trợ vòm hoặc lót chỉnh hình theo chỉ định của bác sĩ. Đảm bảo chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi đầy đủ, tránh sử dụng thuốc lá và đồ uống có cồn để hỗ trợ quá trình phục hồi.

Admin


Nguồn: VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *