Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Tuấn Long từ khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, cho biết rối loạn thần kinh tim, dù không đe dọa trực tiếp đến tính mạng, lại gây ảnh hưởng đáng kể đến chất lượng cuộc sống của người bệnh. Tình trạng này có thể dẫn đến lo lắng, mất ngủ và giảm khả năng làm việc. Nếu không được kiểm soát tốt, căng thẳng kéo dài do rối loạn thần kinh thực vật có thể tác động tiêu cực đến hệ tim mạch, làm tăng huyết áp và thúc đẩy quá trình xơ vữa động mạch.
Hệ thần kinh đóng vai trò quan trọng trong việc điều khiển nhịp tim và huyết áp. Khi hệ thần kinh bị rối loạn do các yếu tố như căng thẳng kéo dài, lo âu, mất ngủ, trầm cảm hoặc các cú sốc tâm lý, sự cân bằng trong điều hòa tim mạch có thể bị phá vỡ. Một trong những triệu chứng điển hình của rối loạn thần kinh tim là cảm giác hồi hộp, tim đập nhanh hoặc hụt nhịp không rõ nguyên nhân. Nhiều người bệnh còn cảm nhận được tim đập mạnh bất thường vào ban đêm, đặc biệt là khi chuẩn bị đi ngủ.
Tình trạng này thường dễ xảy ra khi đứng lâu, ngồi bất động, trong thời tiết oi bức, khi nhịn tiểu, uống không đủ nước hoặc khi thay đổi tư thế đột ngột, khiến mạch máu không kịp điều hòa, dẫn đến choáng váng, hoa mắt, thậm chí là ngất xỉu.
Trước khi ngất, người bệnh thường có các dấu hiệu báo trước như buồn nôn, vã mồ hôi lạnh, da tái nhợt, bụng cồn cào, ù tai và nhức đầu nhẹ. Đây là phản xạ tự điều chỉnh của hệ thần kinh khi não, tim và mạch máu đồng loạt giảm hoạt động. Trong một số trường hợp, người bệnh có thể ngất xỉu trong vài giây đến vài phút, nhưng sau đó hồi tỉnh nhanh chóng mà không cần can thiệp hồi sức. Hiện tượng này xảy ra do lượng máu lên não bị giảm thoáng qua do sự co giãn đột ngột của mạch máu, và khác với cơn nhồi máu cơ tim vì không kèm theo đau ngực hay khó thở.

Sau khi trải qua cơn ngất hoặc các triệu chứng hồi hộp, người bệnh thường cảm thấy mệt mỏi, mất sức nhưng không có tổn thương cơ tim. Các kết quả kiểm tra như điện tim, men tim, siêu âm tim thường nằm trong giới hạn bình thường, giúp bác sĩ loại trừ các bệnh lý tim mạch và nghi ngờ rối loạn thần kinh tim.
Khi xuất hiện các biểu hiện của rối loạn thần kinh tim, việc xử lý đúng cách là rất quan trọng để tránh các nguy hiểm tiềm ẩn. Bác sĩ Long khuyến cáo người bệnh nên nhanh chóng ngồi hoặc nằm xuống ở một nơi an toàn, tránh tiếp tục di chuyển hoặc đứng lâu để tránh bị ngã. Uống một chút nước mát, hít thở sâu và thư giãn có thể giúp ổn định nhịp tim và huyết áp. Tránh cố gắng đi lại hoặc hoạt động mạnh cho đến khi cơ thể hoàn toàn tỉnh táo và cảm thấy dễ chịu trở lại. Nếu các triệu chứng này tái diễn nhiều lần hoặc trở nên nghiêm trọng hơn, người bệnh cần đến cơ sở y tế để được thăm khám và tư vấn.
Hiện nay, phương pháp điều trị rối loạn thần kinh tim chủ yếu tập trung vào việc thay đổi lối sống. Bác sĩ Long khuyến cáo người bệnh nên ngủ đúng giờ và đủ giấc, uống đủ nước mỗi ngày và hạn chế sử dụng các chất kích thích như cà phê, trà đặc và rượu bia. Dành thời gian cho các hoạt động thể chất nhẹ nhàng, thực hiện các bài tập thư giãn và hít thở sâu để giảm căng thẳng, giúp hệ thần kinh ổn định trở lại. Trong trường hợp các triệu chứng gây hạ huyết áp đột ngột, bác sĩ có thể chỉ định thêm thuốc để điều hòa nhịp tim hoặc điều chỉnh huyết áp cho phù hợp.
Admin
Nguồn: VnExpress