Kiện công ty đuổi việc vì làm ‘8 tiếng nghỉ 3 phút’

Theo thông tin từ tờ Guangzhou Daily News ngày 11/7, Tòa án quận Nam Sa, thành phố Quảng Châu vừa đưa ra phán quyết về vụ tranh chấp lao động giữa một nhân viên họ Dư và công ty chủ quản.

Anh Dư, vốn là quản lý cửa hàng giới thiệu sản phẩm tại một trung tâm thương mại từ tháng 3/2021, bất ngờ nhận thông báo chấm dứt hợp đồng lao động qua ứng dụng WeChat vào ngày 26/9/2024. Lý do công ty đưa ra là anh Dư đã có hành vi “thất trách” trong công việc, cụ thể là “ngồi ngủ tại quầy thu ngân khi cửa hàng vẫn còn khách” và “tự ý đóng cửa hàng trong giờ làm việc”.

Không đồng tình với quyết định đơn phương này, anh Dư đã đệ đơn lên Hội đồng trọng tài lao động, yêu cầu công ty thanh toán các khoản lương còn thiếu, trợ cấp nhà ở và tiền bồi thường. Hội đồng trọng tài đã chấp nhận yêu cầu của anh Dư, nhưng công ty không chấp thuận, dẫn đến việc hai bên đưa nhau ra tòa.

Tại phiên tòa, công ty trình bằng chứng là một đoạn video dài 2 giây, ghi lại cảnh anh Dư ngồi trước quầy thu ngân, tay chống đầu, mắt nhắm nghiền và tựa lưng vào ghế. Thời điểm đó, có hai khách hàng đang ở trong cửa hàng.

Đáp lại, anh Dư giải thích rằng hôm đó anh làm việc từ 9h30 sáng đến 22h30 tối, một mình đảm nhiệm toàn bộ công việc. Vào khoảng 20h, sau hơn 8 tiếng làm việc liên tục, anh quá mệt mỏi nên đã ngồi nghỉ ngơi trên ghế, chỉ nhắm mắt trong khoảng 3 phút chứ không hề ngủ say, và vẫn tiếp đón khách khi họ bước vào cửa hàng. Về cáo buộc đóng cửa hàng, anh Dư cho biết do hôm đó chỉ có một mình trông coi nên anh buộc phải tạm đóng cửa để đi vệ sinh.

Sau khi xem xét các chứng cứ và lời khai, thẩm phán nhận định rằng việc anh Dư cảm thấy mệt mỏi và nhắm mắt nghỉ ngơi sau hơn 8 tiếng làm việc liên tục mà không có người thay ca là một hiện tượng sinh lý bình thường. Phía công ty cũng không đưa ra được bằng chứng nào cho thấy anh Dư ngủ gật trong thời gian dài và gây ảnh hưởng đến công việc. Về việc đóng cửa hàng, lời giải thích của anh Dư được cho là hợp lý và không có dấu hiệu tự ý đóng cửa mà không có lý do chính đáng.

Thẩm phán nhấn mạnh rằng hành vi của anh Dư không cấu thành lỗi nghiêm trọng, và công ty không có bằng chứng chứng minh hành vi này gây ra “tổn thất nghiêm trọng” theo quy định. Do đó, việc công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động là không có căn cứ pháp lý và thực tế, cấu thành hành vi chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, và công ty phải chịu trách nhiệm bồi thường.

Kết quả, tòa án phán quyết công ty phải thanh toán cho anh Dư khoản lương còn thiếu là 217,2 nhân dân tệ, trợ cấp nhà ở 3.000 nhân dân tệ và bồi thường 49.572,24 nhân dân tệ do chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật. Đồng thời, tòa bác bỏ mọi khiếu nại từ phía công ty.

Thẩm phán cũng đưa ra lời nhắc nhở rằng quyền nghỉ ngơi là một trong những quyền cơ bản của người lao động, được Hiến pháp bảo vệ. Các doanh nghiệp nên bố trí thời gian nghỉ ngơi và ăn uống hợp lý cho người lao động, thay vì chỉ tập trung vào hiệu suất công việc. Việc xem nhẹ quyền lợi của người lao động có thể mang lại lợi ích trước mắt, nhưng về lâu dài sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Admin


Nguồn: VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *