Samsung tiếp tục khẳng định vị thế trên thị trường TV OLED với dòng sản phẩm S95F, model cao cấp nhất năm 2025, vượt trội hơn so với S90F và S85F. Điểm khác biệt nổi bật của S95F nằm ở thiết kế siêu mỏng Infinity One, tích hợp hộp One Connect Box độc đáo, cùng với tần số quét và hệ thống loa được nâng cấp.
Trên thị trường toàn cầu, S95F mang đến bốn tùy chọn kích thước: 55, 65, 77 và 83 inch. Đáng chú ý, phiên bản 83 inch sử dụng tấm nền WOLED, trong khi ba phiên bản còn lại được trang bị tấm nền QD-OLED kết hợp công nghệ chấm lượng tử Quantum Dot. Tại thị trường Việt Nam, Samsung phân phối hai phiên bản 65 và 83 inch.
S95F được xem là câu trả lời đanh thép của Samsung đối với đối thủ đồng hương LG, khi LG cũng vừa ra mắt dòng G5 với nhiều cải tiến đáng kể. Dù gia nhập thị trường OLED muộn hơn, Samsung đã nhanh chóng khẳng định vị thế của mình bằng việc tung ra các model có thông số kỹ thuật nhỉnh hơn so với các đối thủ trong cùng phân khúc, đặc biệt là về độ sáng tối đa và hệ thống giải trí, và S95F cũng không phải là ngoại lệ.
Công nghệ OLED vẫn được đánh giá là công nghệ hiển thị hình ảnh hàng đầu cho TV dân dụng, nhờ khả năng tái tạo màu sắc sống động, độ tương phản cao và màu đen sâu tuyệt đối. Bằng mắt thường, người dùng có thể nhận thấy rằng TV OLED của Samsung thường có màu sắc rực rỡ hơn một chút so với TV của LG ở chế độ tiêu chuẩn. Tuy nhiên, về độ chi tiết, khả năng xử lý HDR và xử lý viền sáng trên nền tối, các dòng TV cao cấp của hai hãng có sự tương đồng, khó phân biệt.
Cuộc đua giữa Samsung và LG trong lĩnh vực công nghệ OLED chủ yếu tập trung vào độ sáng và khả năng chống lóa. Kết quả đo kiểm thực tế từ Rtings cho thấy S95F đạt độ sáng 2.100 nit, cao hơn so với LG OLED G5 (gần 1.900 nit) ở cùng chế độ tiêu chuẩn. Ở chế độ thông thường, độ sáng của phiên bản S95F 83 inch sử dụng tấm nền WOLED thấp hơn không đáng kể so với các phiên bản kích thước nhỏ hơn, nhưng độ sáng tối đa HDR lại cao hơn gần 100 nit. LG G5 nhỉnh hơn ở một thông số độ sáng là toàn màn hình SDR ở chế độ làm phim.
Một tính năng độc đáo trên S95F là tấm nền OLED chống lóa Glare Free 2.0, được nâng cấp từ thế hệ S95D trước đó. Trang bị này giúp loại bỏ hiện tượng phản chiếu như gương, đặc biệt rõ rệt trong các khung cảnh tối hoặc khi có ánh đèn quá sáng.
Trên thế hệ S95D trước đây, đôi khi xảy ra hiện tượng mất chi tiết ở vùng tối do ảnh hưởng của lớp chống lóa. Tuy nhiên, vấn đề này đã được khắc phục đáng kể trên S95F, khi vùng bị lóa chỉ xuất hiện như một lớp sương mờ rất nhẹ. Có thể nói, model của Samsung hiện là TV OLED chống lóa tốt nhất trên thị trường.
Do sử dụng tấm nền WOLED, phiên bản 83 inch của S95F hiển thị HDR khác biệt so với các model còn lại. Dải màu DCI-P3 có phần thấp hơn so với các phiên bản 77 inch trở xuống, nhưng sự khác biệt này khó nhận thấy bằng mắt thường.
Samsung tích hợp nhiều công nghệ xử lý AI vào S95F, bao gồm nâng cấp độ phân giải 4K Upscaling Pro và Real Depth Enhancer (tăng độ sâu trường ảnh), cũng như các công nghệ âm thanh như AI Sound và Active Voice Amplifier Pro. Dễ dàng nhận thấy tính năng Real Depth Enhancer có khả năng làm nổi bật đường nét khuôn mặt và tông màu da của diễn viên so với các TV thông thường. Khả năng xử lý nhanh chóng và chính xác này có được nhờ chip xử lý hình ảnh TV tốt nhất của Samsung, AI NQ4 3.0.
Các nguồn phát đạt chuẩn độ phân giải Full HD đều có thể được xem tốt trên S95F với chất lượng được nâng cấp lên 4K sắc nét. Điều này đặc biệt rõ ràng khi xem các ứng dụng truyền hình trực tiếp như VTV Go, FPT Play hay TV 360.
Tương tự các TV Samsung ra mắt năm 2025, S95F chạy hệ điều hành Tizen 9.0 với giao diện đồng nhất với các thiết bị di động. Màn hình chính hiển thị các ứng dụng thường xuyên sử dụng và được chia thành các khu vực như nội dung đề xuất cá nhân hóa bằng AI, các chương trình truyền hình trực tiếp và danh sách đầy đủ ứng dụng.
So với webOS, Tizen không có kho ứng dụng phong phú bằng Google TV, nhưng vẫn đáp ứng đầy đủ các ứng dụng phổ biến, từ các dịch vụ OTT xem truyền hình tại Việt Nam đến các nền tảng xem phim như Netflix, Spotify, YouTube Music và một số trò chơi đơn giản. Người dùng cũng có thể điều khiển trực tiếp các thiết bị tương thích với hệ sinh thái nhà thông minh SmartThings.
Hệ thống menu của Tizen 9.0 cung cấp nhiều tùy chỉnh sâu cho các chức năng thông minh, nhưng đôi khi có thể gây phức tạp cho người dùng phổ thông. Tuy nhiên, thao tác trên giao diện rất mượt mà và tốc độ phản hồi nhanh khi chuyển đổi giữa các ứng dụng. Model này cũng hỗ trợ kết nối và truyền hình ảnh không dây từ điện thoại Android, thiết bị Apple và Windows. TV cũng hỗ trợ tính năng xem đa màn hình, đặc biệt hữu ích trên phiên bản kích thước lớn như 83S95F.
Sự cạnh tranh giữa LG và Samsung tạo ra những đổi mới thú vị, khi công nghệ của hãng này dường như “lấp đầy” những khoảng trống của hãng còn lại. LG có dòng G5 với thiết kế mỏng nhưng tích hợp toàn bộ linh kiện vào thân TV, và dòng M5 với hộp điều khiển chứa linh kiện và cổng kết nối, kết nối hoàn toàn không dây với thân TV chính. Samsung đưa ra giải pháp trung gian với hộp One Connect Box kết nối bằng một dây duy nhất, thiết kế tinh tế và dễ dàng “ẩn mình” trong không gian nội thất.
Việc sử dụng hộp rời tương tự dòng Neo QLED cao cấp giúp S95F có thiết kế rất mỏng, tương đương LG M5, nhưng với mức giá hợp lý hơn với cùng kích thước màn hình. Người dùng có thể đặt Connect Box ngay phía sau TV nếu sử dụng chân đế, hoặc giấu dưới kệ nếu treo tường.
S95F được trang bị đầy đủ các cổng kết nối, với cả bốn cổng HDMI đều là chuẩn 2.1 mới nhất, hỗ trợ độ phân giải 4K, tần số quét 165 Hz, VRR với AM FreeSync Premium Pro, ALLM và HDR10+ trên tất cả các nguồn đầu vào. Về khả năng chơi game, TV Samsung có ưu điểm là tích hợp Game Hub với nhiều trò chơi trên nền tảng đám mây, cho phép người dùng giải trí mà không cần máy chơi game chuyên dụng.
So với các đối thủ, điều khiển từ xa của TV Samsung có thiết kế nhỏ gọn nhất với các cạnh bo tròn, mang lại trải nghiệm cầm nắm thoải mái. Samsung là hãng duy nhất không sử dụng pin tiểu dùng một lần, mà thay vào đó là pin sạc qua cổng USB-C hoặc bằng năng lượng mặt trời thông qua tấm thu ở mặt sau.
Điểm mạnh của remote Samsung là khả năng tích hợp đồng bộ điều khiển với nhiều hệ thống khác nhau (One Remote), bao gồm đầu thu truyền hình kỹ thuật số, máy chơi game PS5 và set-top box. Các mẫu remote của Sony và LG cũng có tính năng tương tự, nhưng không tiện lợi bằng. Ví dụ, remote của Samsung có thể đồng bộ lệnh tắt/mở đầu thu truyền hình kỹ thuật số, trong khi LG cần thêm một thao tác.
Năm nay, Samsung tích hợp các dịch vụ được sử dụng nhiều tại Việt Nam như Netflix, FPT Play, VTV Go và VieOn, nhưng lại thiếu YouTube, người dùng cần truy cập thông qua màn hình ứng dụng. TV cũng hỗ trợ điều khiển và ra lệnh bằng giọng nói tiếng Việt.
Cùng với các dòng TV OLED và Neo QLED cao cấp, Samsung cũng giới thiệu hệ thống loa thanh tương xứng là Q-series HW-Q990F. Đây được xem là bản nâng cấp lớn nhất sau khoảng ba năm cho dòng soundbar liên tục được đánh giá cao bởi trang công nghệ uy tín Rtings.
Q990F có loa siêu trầm được thiết kế lại hoàn toàn, kích thước nhỏ chỉ bằng một nửa so với hai thế hệ trước và chuyển sang kiểu dáng hình khối vuông thay vì chữ nhật. Bộ loa này tích hợp các tính năng tối ưu âm thanh tự động như điều chỉnh âm bass Dynamic Bass Control và giả lập âm thanh vòm Q-Symphony khi kết hợp với các bộ loa khác của Samsung như Music Frame.
Bộ loa thanh cao cấp mới của Samsung có giá 23,5 triệu đồng.
Samsung S95F có giá 68,6 triệu đồng cho phiên bản 65 inch, tương đương với LG G5 (khoảng 70 triệu đồng). Trong khi đó, phiên bản 83 inch có giá 157 triệu đồng, đắt hơn LG G5 77 inch (117,6 triệu đồng), nhưng rẻ hơn LG M5 cùng kích thước 83 inch (190 triệu đồng).
Admin
Nguồn: VnExpress