Tập đoàn Hạt nhân Quốc gia Trung Quốc (CNNC) vừa công bố một bước tiến quan trọng trong ngành khai thác uranium của nước này. Thành tựu này đến từ dự án “National No 1 Uranium”, dự án khai thác uranium lớn nhất tại Trung Quốc, được triển khai từ năm ngoái tại bồn địa Ordos, khu vực Nội Mông. Vùng này được biết đến là nơi có trữ lượng uranium tự nhiên lớn nhất cả nước.

Theo Tân Hoa Xã, cột mốc này đánh dấu một phương pháp khai thác mới, được mô tả là “xanh, an toàn, thông minh và hiệu quả”. Bước đột phá này được kỳ vọng sẽ nâng cao đáng kể năng lực cạnh tranh của Trung Quốc trong lĩnh vực sản xuất uranium, từ đó hỗ trợ an ninh năng lượng quốc gia và thúc đẩy quá trình chuyển đổi năng lượng hạt nhân trên diện rộng.
Đây là lần đầu tiên Trung Quốc dịch chuyển trọng tâm sản xuất uranium từ tỉnh Giang Tây ở miền trung sang khu vực phía bắc. Trước đây, hoạt động khai thác uranium chủ yếu tập trung vào các mỏ núi lửa và đá granite gần Lạc An, Giang Tây. Tuy nhiên, trong khoảng hai thập kỷ trở lại đây, nhiều mỏ uranium sa thạch lớn đã được phát hiện ở miền bắc Trung Quốc, đặc biệt là tại Nội Mông. Năm 2023, Trung Quốc công bố 10 phát hiện lớn về uranium với trữ lượng ước tính hơn 2,8 triệu tấn, trong đó có 6 mỏ nằm ở Nội Mông.
Trước đây, những mỏ này từng bị coi là không có tiềm năng khai thác do những hạn chế về mặt kỹ thuật. Tuy nhiên, công nghệ hòa tan tại chỗ tiên tiến đã giúp vượt qua những thách thức này, biến những nguồn tài nguyên trước đây khó tiếp cận thành nguồn cung khả thi, đáp ứng nhu cầu năng lượng hạt nhân ngày càng tăng của Trung Quốc.
Ông Yuan Xu, chủ tịch Tập đoàn Uranium Quốc gia Trung Quốc, một công ty con của CNNC, nhấn mạnh rằng dự án này đánh dấu một kỷ nguyên mới trong ngành khai thác uranium của đất nước. Dự án tích hợp các biện pháp bảo vệ môi trường nghiêm ngặt, sử dụng máy móc điều khiển từ xa để giảm thiểu rủi ro cho công nhân, ứng dụng phân tích dữ liệu thông minh để tối ưu hóa hoạt động, và liên tục cải tiến quy trình để nâng cao chất lượng và hiệu quả. Đáng chú ý, dự án được hoàn thành trong thời gian kỷ lục, chỉ một năm kể từ khi khởi công.
Điểm khác biệt lớn giữa các mỏ sa thạch ở phía bắc và trữ lượng uranium ở Giang Tây nằm ở cấu trúc địa chất. Trong khi Giang Tây có trữ lượng uranium phong phú hơn nhưng nằm trong đá granite, đòi hỏi phương pháp khai thác và xử lý truyền thống, thì các mỏ sa thạch thường có nồng độ uranium thấp và phân tán hơn. Điều này khiến cho việc khai thác trở nên không kinh tế nếu sử dụng các công nghệ cũ. Theo các chuyên gia từ Tập đoàn Uranium Quốc gia Trung Quốc, phương pháp hòa tan tại chỗ hoạt động bằng cách bơm dung dịch vào tầng quặng dưới lòng đất thông qua các giếng khoan. Dung dịch này sẽ hòa tan uranium trực tiếp, sau đó chất lỏng giàu uranium được bơm lên mặt đất để xử lý.
Trong khi các phương pháp hòa tan bằng axit hoặc kiềm truyền thống có thể gây ra những tác động tiêu cực đến môi trường, phương pháp mới này sử dụng hỗn hợp carbon dioxide và oxy, giúp giảm thiểu đáng kể các tác hại. Quy trình này không yêu cầu đào hầm, không gây tổn hại cho hệ sinh thái và không thải ra các chất phóng xạ.
Admin
Nguồn: VnExpress