Nhiều độc giả bày tỏ lo ngại sâu sắc về sự nguy hiểm khi di chuyển trên các tuyến cao tốc thiếu làn dừng khẩn cấp, đặc biệt là khi gặp sự cố bất ngờ. Thực tế, Việt Nam hiện có hơn 2.000 km đường cao tốc, trong đó 654 km thuộc 11 dự án thành phần trên trục Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 1 (2017-2020) mới được đưa vào khai thác gần đây. Do hạn chế về nguồn vốn, nhiều đoạn chỉ được đầu tư phân kỳ với quy mô 2 hoặc 4 làn xe, không có làn dừng khẩn cấp liên tục, dẫn đến nhiều bất cập và tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Độc giả Bão chia sẻ: “Đường cao tốc mà mỗi bên chỉ có hai làn xe và một làn khẩn cấp đã rất nguy hiểm nếu có sự cố phải dừng rồi. Đằng này, đường không có làn khẩn cấp mà bỗng dưng xe bị hỏng ở đoạn không có làn khẩn cấp thì phải nói là vô cùng nguy hiểm, rủi ro bị xe khác tông phải rất cao. Tôi đã từng dừng lại ở đoạn ‘dải dừng khẩn cấp’ để kiểm tra lốp xe nhưng thấy các xe khác phóng qua với tốc độ cao mà phải vội vàng quay vào xe để đi khẩn trương. Vậy nên, tôi cho rằng cần làm thêm 1-2 làn xe và làn khẩn cấp ngay lập tức”.
Một độc giả khác, Đoixuancuong, bày tỏ: “Tôi từng về quê hai lần trên cung đường cao tốc chỉ có hai làn xe và không làn khẩn cấp. Thứ nhất, việc chỉ có hai làn xe là quá hẹp, nhất là khi hai xe container hoặc xe khách chạy song song, hai kính chiếu hậu của hai xe chỉ cách nhau khoảng vài chục cm. Thứ hai, nhiều tài xế thiếu dự trù khi xảy ra sự cố bất ngờ. Thay vì đặt vật cảnh báo cách xe mình khoảng vài chục mét thì họ lại đặt gần đuôi xe khiến các xe sau không thể xử lý kịp”.
Tương tự, độc giả Alexphan lo lắng về tình trạng buồn ngủ khi lái xe trên các tuyến cao tốc dài, lại thiếu trạm dừng nghỉ: “Nói thật, tôi đi cao tốc Phan Thiết – Vĩnh Hảo – Cam Lâm – Nha Trang thấy rất dài, dễ buồn ngủ, lại không có làn dừng khẩn cấp nên càng nguy hiểm. Đi cao tốc tuyến dài nhất là khi trời nắng ít có trạm dừng nghỉ làm tăng thêm rủi ro áp suất lốp, dễ nổ lốp. Tôi phải kiểm tra áp suất lốp liên tục và dừng để xả bớt áp suất trong khi mới thay hơn một năm. Đề nghị khi duyệt khởi công cao tốc điều kiện tối thiểu là phải có làn dừng khẩn cấp và trạm dừng nghỉ mỗi 50 km”.
Để ứng phó với tình huống xe gặp sự cố trên cao tốc thiếu làn khẩn cấp, độc giả Con yeu chia sẻ kinh nghiệm: “Đi trên cao tốc không làn khẩn cấp, tôi sợ nhất là xe gặp sự cố bất ngờ, không có làn khẩn cấp để tấp vào, không có thời gian xuống xe, không kịp lấy cái bảng cảnh báo ra đặt thì xe sau đã đâm xe mình rồi. Thế nên, tôi thường di chuyển ra khỏi xe nhanh chóng, rồi đi thẳng xuống phía dưới ruộng, đứng cách xa xe mình 50 m rồi gọi cứu hộ, chứ đứng lơ ngơ trên đường cũng rất dễ bị xe khác đâm trúng”.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng nguyên nhân tai nạn không chỉ do hạ tầng. Độc giả Hungnguyenviet nhận định: “Vẫn biết là hạ tầng giao thông của chúng ta chưa được hoàn thiện như kỳ vọng của người dân. Nhưng nói đi cũng phải nói lại, đa số các vụ tai nạn đều do lỗi của chủ phương tiện… Tôi thấy ý thức của một bộ phận không nhỏ tài xế ở ta rất kém, thậm chí gây nguy hiểm cho các phương tiện khác”.
Độc giả Vantruong đồng tình: “Tài xế của ta còn nhiều người bon chen, giành đường, vượt ẩu lắm. Chạy trên cao tốc mà họ vẫn giữ tư duy đường làng. Tính hơn thua, cẩu thả, chủ quan không sớm thì muộn cũng gây ra tai nạn”.
Admin
Nguồn: VnExpress