Trong nhiều thập kỷ qua, Trung Quốc đã thực hiện một loạt các biện pháp mạnh mẽ nhằm hạn chế xe máy xăng và khuyến khích người dân chuyển sang sử dụng xe máy điện, góp phần giảm thiểu ô nhiễm và cải thiện giao thông đô thị.
Bắc Kinh bắt đầu giới hạn xe máy xăng trong đường Vành đai 3 từ năm 1986, và đến năm 2000, lệnh cấm này được mở rộng đến Vành đai 4. Tại phía nam, Quảng Châu đã cấm hoàn toàn xe máy xăng từ năm 2007. Nhiều thành phố khác cũng áp dụng các biện pháp gián tiếp, chẳng hạn như Thượng Hải, nơi giá biển số xe máy xăng có thể lên tới 40.000 – 50.000 USD, cao gấp ba lần so với một chiếc ô tô cỡ nhỏ.
Đến năm 2025, ước tính có khoảng 200 thành phố ở Trung Quốc đã áp dụng lệnh cấm toàn bộ hoặc một phần đối với xe máy xăng. Mục tiêu của việc này là giảm tai nạn giao thông, cải thiện lưu lượng giao thông và thúc đẩy việc sử dụng các phương tiện thân thiện với môi trường hơn.

Để hỗ trợ quá trình chuyển đổi này, Trung Quốc đã thực hiện nhiều chính sách khuyến khích sử dụng xe máy điện. Xe máy điện được coi là phương tiện không có động cơ, giúp đơn giản hóa thủ tục mua bán và đăng ký. Chi phí mua biển số và bảo hiểm cũng thấp hơn đáng kể. Đáng chú ý, hầu hết xe máy điện không yêu cầu người sử dụng phải có bằng lái.
Theo số liệu từ Daxue Consulting, tính đến năm 2023, tổng số xe điện hai bánh tại Trung Quốc đã đạt 420 triệu chiếc, tương đương cứ ba người dân thì có một người sở hữu loại phương tiện này.
Chính phủ Trung Quốc cũng triển khai nhiều gói trợ cấp mua xe máy điện trong nhiều năm. Đầu năm 2025, một chương trình hỗ trợ người dân chuyển đổi từ xe máy điện sử dụng pin lithium-ion cũ sang công nghệ pin axit chì an toàn hơn đã được công bố.
Dữ liệu từ Bộ Thương mại Trung Quốc cho thấy, tính đến tháng 3/2025, chương trình này đã phân phối 1 tỷ nhân dân tệ (khoảng 139,48 triệu USD) tiền trợ cấp cho hơn 1,65 triệu người tiêu dùng. Kết quả là, nửa đầu năm 2025 chứng kiến sự bùng nổ doanh số xe máy điện, với hơn 8,47 triệu xe mới được đưa vào sử dụng.
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ tài chính, Trung Quốc cũng chú trọng phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, đỗ xe và sạc điện cho xe máy điện. Ví dụ, Nam Ninh, được mệnh danh là “thành phố xanh” của Trung Quốc, đã triển khai nhiều giải pháp để đảm bảo giao thông thuận tiện, chỗ đỗ xe và sạc điện cho hàng triệu xe máy điện. Thành phố đã kẻ vạch, lắp lan can và xây dựng làn đường riêng cho xe máy điện, tách biệt chúng khỏi làn đường ô tô.
Để giảm ùn tắc tại các giao lộ lớn, chính quyền đã bố trí làn chờ và làn rẽ riêng cho xe máy điện, đồng thời tối ưu hóa chu kỳ đèn tín hiệu và lắp đặt thêm đèn LED dẫn hướng. Thành phố cũng xây dựng một số hầm và lối đi riêng cho xe máy điện tại các nút giao thông quan trọng.
Các trạm sạc công cộng được xây dựng phù hợp với từng khu dân cư, đặc biệt ở các khu vực đông dân, thông qua việc mở khu vực sạc riêng hoặc lắp đặt trụ sạc bên ngoài. Sự hợp tác giữa doanh nghiệp và ban quản lý tòa nhà đóng vai trò then chốt trong việc xây dựng và vận hành các cơ sở này.

Để giảm áp lực đỗ xe, cơ quan quản lý giao thông đã chuyển đổi một số chỗ đỗ ô tô trên đường thành chỗ đỗ xe máy điện, với mỗi ô đỗ có thể chứa gần 8 xe. Thành phố cũng đẩy mạnh phát triển các khu vực sạc và đổi pin để đáp ứng nhu cầu của những người sử dụng xe thường xuyên như tài xế giao hàng.

Ngoài ra, nhiều thành phố của Trung Quốc đã thực hiện lệnh cấm hoàn toàn xe máy xăng hoạt động tại trung tâm, hoặc áp dụng các biện pháp hạn chế theo khung giờ hoặc theo ngày. Một số địa phương ngừng cấp biển số cho xe máy xăng, hoặc làm cho việc sở hữu biển số trở nên đắt đỏ.
Xe máy xăng ở Trung Quốc cũng có niên hạn sử dụng, thường là 13 năm kể từ ngày đăng ký hoặc sau khi đạt 120.000 km. Người dân giao nộp xe trước thời hạn có thể nhận được một khoản hỗ trợ tài chính.
Tuy nhiên, việc quản lý xe máy điện tại Trung Quốc cũng ngày càng được “siết chặt”. Vào tháng 11 năm ngoái, các quy định mới về an toàn đã được áp dụng, giới hạn tốc độ tối đa ở mức 25 km/h, trọng lượng xe (không bao gồm pin) không vượt quá 55 kg và yêu cầu lắp đặt hệ thống định vị BeiDou.
Các tiêu chuẩn mới này cũng ảnh hưởng đến việc gắn thêm các phụ kiện cho xe, như mái che mưa hoặc miếng lót che chân, và việc yêu cầu trang bị hệ thống dẫn đường BeiDou cũng làm tăng thêm chi phí cho chủ xe. Mặc dù chính phủ đã lưu ý đến những vấn đề này và yêu cầu xe máy điện phải có cơ chế chống can thiệp từ bên ngoài, nhưng điều này lại có thể gây ra những gánh nặng tài chính mới cho người sử dụng.
Admin
Nguồn: VnExpress