Cận thị không chỉ là vấn đề về thị lực mà còn liên quan đến sự thay đổi cấu trúc của nhãn cầu. Theo PGS.TS.BS Nguyễn Thị Thu Hiền, Trưởng khoa Khúc xạ, Trung tâm Mắt Công nghệ cao, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, những thói quen sinh hoạt không tốt có thể đẩy nhanh quá trình tăng độ cận, khiến nhãn cầu bị kéo dài ra phía sau. Điều này có thể dẫn đến các biến chứng nguy hiểm như bong võng mạc, thoái hóa hoàng điểm, đục thủy tinh thể và glôcôm ở độ tuổi còn trẻ.
Một trong những thói quen gây hại phổ biến là sử dụng thiết bị điện tử liên tục. Nhiều người làm việc với máy tính hàng giờ mỗi ngày, gây mỏi mắt, khô mắt. Việc nhìn chằm chằm vào màn hình khiến cơ điều tiết mắt phải hoạt động liên tục để điều chỉnh tiêu cự, lâu dần làm giảm khả năng điều tiết. Mắt phải làm việc quá sức để nhìn rõ các chi tiết trên màn hình, đặc biệt là những chữ nhỏ hoặc hình ảnh chuyển động nhanh, từ đó làm tăng nguy cơ căng thẳng và mệt mỏi cho mắt.
Thói quen nhìn quá gần cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đến thị lực. Việc thường xuyên cúi gằm, nằm nghiêng khi dùng điện thoại, máy tính hay đọc sách khiến khoảng cách từ mắt đến vật chỉ còn 15-20 cm, trong khi khoảng cách lý tưởng là 35-40 cm. Nhìn quá gần trong thời gian dài gây co thắt cơ thể mi, rối loạn điều tiết của mắt. Không chỉ vậy, tư thế cúi gằm kéo dài còn gây mỏi cổ, vai, gáy và các vấn đề về cột sống cổ.

Bên cạnh đó, việc ít tham gia các hoạt động ngoài trời, dưới ánh sáng tự nhiên cũng góp phần làm tăng nguy cơ cận thị. Ánh sáng tự nhiên rất quan trọng trong việc duy trì sức khỏe thị lực. Khi ở trong nhà quá lâu, mắt phải điều tiết nhiều hơn để nhìn rõ vật ở gần, gây mệt mỏi và tạo áp lực lên nhãn cầu.
Bác sĩ Hiền giải thích rằng ánh sáng mặt trời kích thích sản sinh dopamine, một chất dẫn truyền thần kinh giúp điều chỉnh hình dạng của mắt và hạn chế sự kéo dài trục nhãn cầu – nguyên nhân chính gây cận thị. Vì vậy, dành thời gian hoạt động ngoài trời mỗi ngày, đặc biệt là đối với trẻ em, là một biện pháp hiệu quả để bảo vệ thị lực, phòng ngừa cận thị hoặc ngăn chặn tình trạng tiến triển.
Thói quen sinh hoạt thiếu khoa học, chẳng hạn như ngồi liên tục trước màn hình máy tính hoặc điện thoại hàng giờ liền, cũng gây hại cho mắt. Các bác sĩ nhãn khoa khuyến cáo nên áp dụng nguyên tắc 20-20-20, tức là cứ sau 20 phút nhìn gần, hãy nhìn xa 20 feet (khoảng 6 mét) trong 20 giây để cơ mắt được thư giãn. Nếu nhìn gần quá lâu mà không có thời gian phục hồi, các cơ điều tiết sẽ bị mỏi mạn tính, dẫn đến khô mắt và tăng độ cận.
Tư thế không đúng khi đọc sách hoặc sử dụng thiết bị điện tử cũng ảnh hưởng trực tiếp đến mắt. Thói quen nằm ngửa hoặc nằm sấp khi đọc sách, xem điện thoại khiến góc nhìn bị lệch, buộc mắt phải điều tiết nhiều hơn để nhìn rõ. Khi làm việc, một số người có thói quen ngồi quá gần về phía trước bàn, dẫn đến cúi gằm hoặc tựa người lên bàn làm việc. Điều này vừa tạo áp lực lên vùng thắt lưng, vừa khiến mắt mỏi do phải nhìn xuống liên tục.
Để có tư thế ngồi làm việc đúng cách, bác sĩ Hiền hướng dẫn nên hơi nghiêng lưng về phía trước một góc nhỏ thay vì ngồi thẳng đứng hoàn toàn, đặt hai chân phẳng trên sàn và cách nhau một khoảng bằng hông. Vai cần thả lỏng tự nhiên, không căng cứng hay nhô lên. Cằm không nên đưa quá về phía trước mà giữ ở vị trí tự nhiên, tránh tư thế cổ rùa (cột sống cổ và đầu nghiêng về phía trước quá mức) gây mỏi cổ, vai, gáy. Màn hình máy tính nên để dưới tầm mắt để không phải ngửa cổ, đồng thời mắt không cần mở quá rộng, tránh bị khô.
Admin
Nguồn: VnExpress