Vào mùa hè năm 2024, Safiruddin, một cư dân của làng Baiguni thuộc Kalai Upazila, đã tìm đến việc bán thận ở Ấn Độ với mong muốn đổi đời cho gia đình. Anh nhận được 350.000 taka (khoảng 2.850 USD) và hy vọng số tiền này sẽ giúp anh xây một ngôi nhà cho ba đứa con nhỏ (hai con gái 5 và 7 tuổi, và một con trai 10 tuổi) và thoát khỏi cảnh nghèo khó. Tuy nhiên, số tiền nhanh chóng cạn kiệt, ngôi nhà vẫn còn dang dở, và sức khỏe của anh ngày càng suy yếu.
Hiện tại, Safiruddin phải làm việc chân tay tại một kho lạnh. Anh thường xuyên phải đối mặt với những cơn đau và mệt mỏi, khiến cho những công việc hàng ngày trở nên vô cùng khó khăn.
Anh chia sẻ: “Tôi đã hiến thận chỉ vì muốn gia đình có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Tôi đã làm tất cả vì vợ con mình”.
Safiruddin đã không nhận thức được những nguy hiểm tiềm ẩn khi quyết định bán thận. Những kẻ môi giới đã tiếp cận anh bằng những lời lẽ ngọt ngào, vẽ ra một viễn cảnh tươi sáng, như thể đây là một cơ hội để đổi đời, chứ không phải là một canh bạc với sức khỏe của mình. Mặc dù ban đầu còn do dự, nhưng sự túng quẫn đã đẩy anh vào con đường này.
Những kẻ môi giới đã đưa Safiruddin sang Ấn Độ bằng thị thực y tế, lo liệu mọi thứ từ vé máy bay, giấy tờ cho đến thủ tục nhập viện. Mọi việc diễn ra trót lọt, tạo cảm giác như mọi thứ đều hợp pháp. Khi đến Ấn Độ, mặc dù vẫn sử dụng hộ chiếu Bangladesh thật, anh đã được cung cấp một loạt các giấy tờ giả, bao gồm cả giấy chứng nhận quan hệ họ hàng với người nhận thận để hợp thức hóa ca ghép. Danh tính của anh đã bị thay đổi, và quả thận của anh được cấy vào cơ thể của một người lạ mà anh chưa từng gặp mặt.
Safiruddin chậm rãi kể lại: “Tôi hoàn toàn không biết ai là người nhận thận. Những kẻ môi giới đó đã không hề nói cho tôi biết bất cứ điều gì”.
Theo quy định, việc hiến tặng nội tạng ở Ấn Độ chỉ hợp pháp giữa những người thân ruột thịt hoặc khi có sự phê duyệt đặc biệt từ chính phủ. Tuy nhiên, những kẻ buôn bán nội tạng đã tìm cách lách luật bằng cách giả mạo quan hệ huyết thống, chỉnh sửa hồ sơ bệnh viện và thậm chí thao túng kết quả xét nghiệm ADN để vượt qua các rào cản pháp lý một cách dễ dàng.
Giáo sư Monir Moniruzzaman của Đại học Bang Michigan, một thành viên của Nhóm Đặc nhiệm về Cấy ghép Nội tạng của Tổ chức Y tế Thế giới, cho biết rằng danh tính của người bán thận thường sẽ bị thay đổi, kèm theo một giấy chứng nhận có công chứng của luật sư, nhằm tạo dựng một mối quan hệ họ hàng giả mạo với người nhận.
Ông Monir nói thêm: “Những tấm chứng minh nhân dân giả càng làm cho câu chuyện trở nên thuyết phục hơn, biến người hiến tặng thành chị gái, con gái hoặc một thành viên gia đình khác, như thể việc hiến tặng xuất phát từ lòng trắc ẩn chứ không phải vì tiền”.
Câu chuyện của Safiruddin không phải là một trường hợp cá biệt. Việc hiến thận đã trở nên phổ biến ở làng Baiguni, đến nỗi cộng đồng nhỏ bé với chưa đến 6.000 dân này được mệnh danh là “ngôi làng một quả thận”. Kalai Upazila, nơi Baiguni trực thuộc, là một điểm nóng của nạn buôn bán thận. Một nghiên cứu năm 2023 trên tạp chí British Medical Journal Global Health ước tính rằng cứ 35 người trưởng thành trong khu vực thì có một người đã bán thận.
Kalai Upazila là một trong những vùng nghèo nhất của Bangladesh. Hầu hết những người hiến thận là nam giới trên 30 tuổi, bị dụ dỗ bởi lời hứa về việc kiếm tiền nhanh chóng. Theo nghiên cứu, 83% số người được khảo sát cho biết rằng nghèo đói là lý do chính khiến họ bán thận, trong khi những người khác là do trả nợ, nghiện ma túy hoặc cờ bạc.
Safiruddin kể lại rằng những kẻ môi giới đã giữ hộ chiếu của anh và không bao giờ trả lại. Ngay cả đơn thuốc sau phẫu thuật anh cũng không được nhận. Anh buồn bã nói: “Họ đã lấy hết mọi thứ của tôi rồi biến mất, không để lại cho tôi bất cứ thứ gì”.
Josna Begum, một góa phụ 45 tuổi ở Kalai Upazila, từng nghĩ rằng việc bán thận sẽ giúp bà đổi đời. Vào năm 2019, bà cùng với người chồng mới là Belal sang Ấn Độ với lời hứa sẽ nhận được 700.000 taka. Tuy nhiên, sau ca phẫu thuật, bà chỉ nhận được 300.000 taka. Chưa kịp ổn định cuộc sống, Belal đã bỏ rơi bà để cưới người khác. Hiện tại, Josna sống trong cảnh đau ốm, thiếu thốn thuốc men, và không biết phải bấu víu vào đâu. Bà nghẹn ngào nói: “Cuộc đời tôi coi như đã chấm hết”.
Mohammad Sajal, một cựu doanh nhân ở Dhaka, đã mất trắng sau khi một nền tảng thương mại điện tử sụp đổ. Trong cơn bế tắc, vào năm 2022, anh đã chấp nhận bán thận với hy vọng nhận được 1 triệu taka, nhưng cuối cùng chỉ nhận được 350.000 taka. Cảm thấy bị lừa, Sajal đã quay sang cộng tác với chính những kẻ môi giới đã lừa mình, trở thành một mắt xích trong đường dây buôn bán thận. Tuy nhiên, khi xảy ra xung đột về tài chính, anh đã bỏ trốn vì lo sợ bị trả thù. Anh nói: “Không ai tự nguyện hiến thận vì thích cả. Đó là lựa chọn của những người không còn lối thoát”.
Giới chức Bangladesh cho biết họ đã triển khai các điều tra viên bí mật để theo dõi hoạt động buôn bán nội tạng. Phía Ấn Độ cũng đã bắt giữ một số bác sĩ có liên quan, trong đó có bác sĩ Vijaya Rajakumari, người bị cáo buộc đã thực hiện hàng chục ca ghép thận cho bệnh nhân Bangladesh. Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng những vụ bắt giữ rải rác này là không đủ để triệt phá toàn bộ đường dây.
Tại Ấn Độ, Đạo luật Ghép tạng Người (THOA) quy định rõ rằng chỉ được hiến thận cho người thân ruột thịt hoặc phải có sự chấp thuận của ủy ban cấp phép. Tuy nhiên, hệ thống này rất dễ bị thao túng. Giấy tờ giả được tạo ra, quan hệ họ hàng bịa đặt, và các ủy ban cấp phép đôi khi phê duyệt hồ sơ một cách dễ dãi mà không kiểm tra kỹ lưỡng.
Các bệnh viện cũng bị cáo buộc nhắm mắt làm ngơ vì lợi ích tài chính. Ông Moniruzzaman nói: “Càng có nhiều ca ghép tạng, bệnh viện càng thu được nhiều lợi nhuận. Ngay cả khi phát hiện ra gian lận, bệnh viện vẫn khẳng định rằng hồ sơ là hợp lệ để trốn tránh trách nhiệm”.
Nhiều bác sĩ và thành viên hội đồng bệnh viện thậm chí còn bị cáo buộc nhận hối lộ từ các nhà môi giới. Trong khi đó, đường dây buôn bán thận liên tục thay đổi địa điểm hoạt động để tránh bị theo dõi. Người nhận thận giàu có thường trả từ 22.000 đến 26.000 USD, nhưng người hiến chỉ nhận được từ 2.500 đến 4.000 USD. Phần lớn lợi nhuận rơi vào tay của các nhà môi giới, bác sĩ và những người làm giấy tờ.

Nhiều nạn nhân không chủ động bán thận mà bị lừa với lời hứa về việc làm tại Ấn Độ. Họ được đưa đến bệnh viện với những lý do giả mạo, và phải trải qua phẫu thuật khi chưa hiểu rõ về những gì mình sắp phải đối mặt.

Vào tháng 9 năm ngoái, lực lượng chức năng đã phát hiện ra một mạng lưới buôn người tại Ấn Độ, nơi giam giữ nhiều lao động Bangladesh dưới danh nghĩa tuyển dụng, sau đó ép họ hiến thận và trả cho họ một khoản bồi thường tối thiểu. Cùng năm đó, cảnh sát Bangladesh đã bắt giữ ba đối tượng tại Dhaka. Những kẻ này đã đưa ít nhất 10 người sang New Delhi dưới danh nghĩa giới thiệu việc làm. Tuy nhiên, thay vì một công việc ổn định, các nạn nhân đã bị ép phẫu thuật lấy thận mà không được giải thích rõ ràng về hậu quả và gần như không nhận được một khoản đền bù xứng đáng.
Ông Shariful Hasan, Phó giám đốc Chương trình Di cư thuộc BRAC, một trong những tổ chức phi chính phủ lớn nhất thế giới, cho biết: “Một số người cố tình bán thận vì quá nghèo, nhưng một bộ phận không nhỏ đã bị lừa. Một bệnh nhân giàu có ở Ấn Độ cần thận, và những kẻ môi giới sẽ tìm ra người hiến tại Bangladesh. Đó có thể là một người đang túng quẫn hoặc bị dụ dỗ bằng lời hứa về việc làm, và vòng luẩn quẩn này cứ tiếp diễn”.
Bà Vasundhara Raghavan, Giám đốc điều hành của tổ chức Kidney Warriors Foundation, một nhóm hỗ trợ bệnh nhân suy thận tại Ấn Độ, cho biết: “Tình trạng thiếu người hiến hợp pháp là một trong những nguyên nhân cốt lõi thúc đẩy hoạt động buôn bán nội tạng. Những bệnh nhân tuyệt vọng tìm đến các con đường bất hợp pháp, tiếp tay cho một hệ thống trục lợi từ những người nghèo”. Bà thừa nhận rằng luật pháp hiện hành được đặt ra để ngăn chặn việc thương mại hóa nội tạng, nhưng thực tế lại đẩy thị trường này lún sâu vào bóng tối.
Các chuyên gia kêu gọi cần có một khung pháp lý minh bạch và nhân đạo hơn, bao gồm việc kiểm tra sức khỏe bắt buộc, hỗ trợ sau ghép tạng và đảm bảo tài chính cho người hiến. Tuy nhiên, với thực tế hiện tại, những người như Safiruddin chỉ còn lại sự đau đớn và nuối tiếc.
Anh nói: “Tôi không thể làm việc bình thường được nữa. Họ đã lấy thận của tôi rồi biến mất”.
Admin
Nguồn: VnExpress