Năm 2009, nước Mỹ rúng động trước câu chuyện “Cậu bé khinh khí cầu” khi cậu bé Falcon Heene, 6 tuổi, được cho là mắc kẹt trong một quả khinh khí cầu tự chế, bay lơ lửng trên bầu trời Colorado. Vụ việc này đã thu hút sự chú ý của toàn quốc, được truyền hình trực tiếp và huy động cả lực lượng cứu hộ. Tuy nhiên, sau đó sự thật phũ phàng đã được phơi bày: đây là một trò lừa bịp tinh vi do chính cha mẹ Falcon dàn dựng để tìm kiếm danh tiếng.
Vào buổi trưa ngày 15/10/2009, Richard và Mayumi Heene thông báo với truyền thông và chính quyền rằng con trai họ, Falcon, đang mắc kẹt trong quả khinh khí cầu hình đĩa bay UFO màu bạc, bơm khí heli, do chính họ tự chế tạo. Họ khẳng định rằng Falcon đã trèo vào bên trong trước khi dây buộc bị bung ra ở sân sau nhà, khiến cậu bé lơ lửng ở độ cao hơn 2.000 mét.
Ngay lập tức, câu chuyện này đã biến thành một tình huống khẩn cấp quốc gia. Lực lượng Vệ binh Quốc gia Colorado đã điều động trực thăng hỗ trợ, Sân bay Quốc tế Denver tạm dừng các chuyến bay, và Bộ An ninh Nội địa cũng vào cuộc điều tra. Truyền thông nhanh chóng đặt cho Falcon biệt danh “Cậu bé trên khinh khí cầu”.
Các chương trình truyền hình trực tiếp đã theo dõi hành trình của khinh khí cầu trong gần hai giờ, khi nó trôi theo gió khoảng 112 km qua miền bắc Colorado. Khi khinh khí cầu hạ cánh gần Keenesburg, Colorado, lực lượng cứu hộ đã nhanh chóng tiếp cận, nhưng phát hiện ra rằng nó hoàn toàn trống rỗng.
Lo ngại cậu bé đã ngã ra ngoài, chính quyền đã huy động lực lượng tìm kiếm. Tuy nhiên, vài giờ sau, Falcon được tìm thấy đang trốn trên gác mái nhà của gia đình, an toàn và không hề hấn gì.

Ban đầu, sự việc có vẻ như chỉ là một sự hiểu lầm, với việc cậu bé trốn đi vì sợ bị mắng. Nhưng nghi ngờ bắt đầu nảy sinh sau cuộc phỏng vấn trực tiếp trên CNN tối hôm đó. Khi được hỏi tại sao lại trốn, Falcon đã quay sang bố và nói: “Mọi người nói là chúng ta làm điều này vì chương trình mà”. Câu nói ngây thơ này đã làm dấy lên nghi ngờ rằng toàn bộ sự việc có thể đã được dàn dựng.
Richard Heene, một nhà phát minh tự phong, người săn bão và có tham vọng trở thành nhân vật truyền hình thực tế, được biết đến với những sở thích lập dị. Anh gặp Mayumi, người gốc Nhật Bản, tại một trường dạy diễn xuất ở Hollywood và kết hôn năm 1997. Cặp đôi này điều hành một doanh nghiệp biên tập phim và thường xuyên cho ba con trai của họ – Falcon, Bradford và Ryo – tham gia vào các hoạt động kỳ quái, bao gồm cả việc săn UFO.

Trước vụ việc “cậu bé trên khinh khí cầu”, Richard và Mayumi đã từng xuất hiện trên chương trình truyền hình thực tế Wife Swap của đài ABC, không chỉ một mà đến hai lần. Đài truyền hình mô tả gia đình này là “những người đam mê khoa học và UFO, bị ám ảnh bởi người ngoài hành tinh”, dành thời gian cho các thí nghiệm khoa học bao gồm tìm kiếm người ngoài hành tinh và chế tạo đĩa bay.
Trước khi gọi điện cho cảnh sát báo cáo về con trai, Richard đã liên hệ với một đài truyền hình địa phương và yêu cầu họ cử trực thăng đến đưa tin. Màn kịch đã thành công trong việc thu hút sự chú ý của cả nước, cho đến khi Falcon vô tình tiết lộ sự thật trên sóng truyền hình trực tiếp.
Một ngày sau khi tìm thấy Falcon, chính quyền bắt đầu xem xét sự việc này như một vụ lừa đảo tiềm ẩn. Gia đình Heene bị điều tra vì tội âm mưu, khai báo gian dối và có ý định lừa dối chính quyền. Các điều tra viên nhanh chóng kết luận rằng vợ chồng Heene đã dàn dựng sự kiện này để thu hút sự chú ý của giới truyền thông và tăng cơ hội có được chương trình truyền hình thực tế của riêng họ.
Theo lời khai của Mayumi, mục đích của trò bịp này là để khiến gia đình Heene trở nên hấp dẫn hơn đối với giới truyền thông trong tương lai.
Tháng 11/2009, Richard nhận tội cố gắng tác động đến một công chức bằng cách lừa dối, một trọng tội. Anh ta bị kết án 90 ngày tù. “Tôi rất, rất xin lỗi. Và tôi cũng muốn xin lỗi tất cả nhân viên cứu hộ ngoài kia”, Richard phát biểu sau khi bị tuyên án. Mayumi nhận tội nhẹ hơn là khai báo gian dối với chính quyền và bị phạt 20 ngày tù. Ngoài ra, hai vợ chồng phải bồi thường 36.000 USD chi phí ứng phó khẩn cấp, thực hiện nghĩa vụ phục vụ cộng đồng và bị cấm trục lợi từ vụ việc.
Mặc dù vậy, gia đình Heene vẫn khẳng định vô tội, cho rằng họ bị ép phải nhận tội vì sợ Mayumi bị trục xuất.
Vụ lừa bịp “cậu bé trên khinh khí cầu” đã gây ra một cơn sốt truyền thông, làm dấy lên những cuộc tranh luận về cách nuôi dạy con cái, chủ nghĩa giật gân của truyền thông và đạo đức của truyền hình thực tế.
Trong những năm sau vụ việc, gia đình Heene gần như biến mất khỏi tầm mắt công chúng. Họ chuyển đến Florida, sau đó là New York. Ba con trai nhà Heene thành lập một ban nhạc metal mang tên Heene Boyz, tận dụng tai tiếng trước đó như một công cụ xây dựng thương hiệu độc đáo. Đĩa đơn đầu tiên của họ có tựa đề “Balloon Boy No Hoax”.
Tháng 12/2020, Thống đốc bang Colorado Jared Polis đã bất ngờ ân xá cho cả Richard và Mayumi, chính thức xóa hồ sơ phạm tội của họ, khép lại một chương đầy tai tiếng trong lịch sử truyền thông Hoa Kỳ.
Admin
Nguồn: VnExpress