Stephanie Foo, một nhà sản xuất chương trình phát thanh người Mỹ gốc Malaysia, đã trải qua một hành trình dài và gian khổ để đạt được hạnh phúc hiện tại bên cạnh người chồng yêu thương và một cộng đồng hỗ trợ. Quá khứ của cô bị ám ảnh bởi C-PTSD (rối loạn căng thẳng sau sang chấn phức tạp), một di chứng của tuổi thơ đầy bạo hành thể xác và tinh thần. Năm 2022, cô đã dũng cảm chia sẻ câu chuyện đời mình trong cuốn hồi ký “What My Bones Know: A Memoir of Healing from Complex Trauma”.
C-PTSD, theo chuyên trang Cleverland Clinic, có liên hệ mật thiết với PTSD (rối loạn căng thẳng sau sang chấn). Trong khi PTSD thường là hậu quả của một chấn thương đơn lẻ, C-PTSD phát sinh từ những tổn thương kéo dài và liên tục, chẳng hạn như lạm dụng thời thơ ấu hoặc bạo lực gia đình.
Cuốn hồi ký mở đầu bằng cảnh Stephanie Foo xem lại những thước phim cũ, nơi cô bé Stephanie hiện lên đầy hạnh phúc bên những món quà Giáng sinh. Một đoạn phim khác ghi lại khoảnh khắc cô bé thổi bong bóng cùng mẹ, khiến Foo trưởng thành không khỏi ngỡ ngàng. Ký ức của cô về tuổi thơ không hề vô tư lự như vậy, mà là chuỗi ngày đầy đau khổ.
Foo kể rằng gia đình cô chuyển đến California khi cô mới hai tuổi rưỡi để theo đuổi “giấc mơ Mỹ” của cha. Ông, một người Malaysia gốc Hoa, đã làm việc không ngừng nghỉ để gia đình có một cuộc sống đầy đủ tiện nghi trong một ngôi nhà ở khu San Jose, gần những trường học tốt. Trong suốt thời thơ ấu, Foo luôn cố gắng tỏ ra ngoan ngoãn và hiểu chuyện để làm hài lòng người lớn, nhưng thay vì nhận được tình yêu thương, cô lại phải trở thành người chăm sóc và xoa dịu những tổn thương tinh thần của cha mẹ.

Những năm tháng bị bạo hành đã khiến Stephanie Foo mắc C-PTSD, dẫn đến những triệu chứng như lo âu thường xuyên, khó điều tiết cảm xúc và cảm giác chán ghét bản thân. Căn bệnh này gây ra nhiều trở ngại trong việc duy trì các mối quan hệ, khiến cô dễ gây hấn với người khác và hình thành sự gắn bó không lành mạnh với những người đã lạm dụng mình. Cô luôn cảm thấy mình không xứng đáng được yêu thương. Foo đã dành nhiều năm để chữa trị, thử nhiều liệu pháp khác nhau, nhưng cô cảm thấy như mình chỉ đang “trát những lớp thạch cao trắng muốt lên những lỗ hổng toang hoác trong cốt tủy”.
Trên hành trình chữa lành, có những lúc Foo cảm thấy ổn, nhưng cũng có những lúc cô xem mình như một “phiên bản lỗi”. Tuy nhiên, cô không trốn tránh quá khứ, mà dũng cảm truy vấn gốc rễ nỗi đau từ thời bố mẹ, ông bà và cụ cố. Từ những câu chuyện cội nguồn, cô khám phá ra những khía cạnh khác của đói nghèo, chiến tranh và mặt trái của “giấc mơ Mỹ”.
Foo đúc kết: “Tôi là sản phẩm của cả một xứ sở. Tôi là một trong số rất nhiều người. Tất cả chúng tôi đều là nạn nhân của một cộng đồng rối loạn chức năng rất giỏi kìm nén bản thân trong khi lẩm bẩm ‘Hãy biết cười trong nước mắt. Phải biết ngậm đắng nuốt cay'”. Với lòng dũng cảm và sự kiên trì, Stephanie Foo đã vượt qua những trở ngại của quá khứ và tìm thấy một cái kết có hậu với gia đình riêng và sự nghiệp thành công.

Nhà xuất bản trong nước nhận định rằng tác phẩm này cung cấp một bức tranh toàn diện về C-PTSD trong bối cảnh Việt Nam chưa có nhiều sách hoặc tài liệu nghiên cứu sâu về chứng bệnh này. “Nơi vết thương ánh sáng rọi vào không phải là một cuốn sách dễ đọc. Những trang viết miêu tả về quá khứ bị lạm dụng và bạo hành của Stephanie khiến người đọc phải nhiều lần khựng lại vì nặng nề và đau đớn. Nhưng với lối viết giao thoa giữa kể chuyện và cung cấp thông tin khoa học, Stephanie Foo đã phác họa cho chúng ta thấy một câu chuyện chân thật, sâu sắc về C-PTSD và tác động của nó lên cuộc sống của người trưởng thành”, trích lời giới thiệu.
Cuốn hồi ký đã nhận được phản hồi tích cực từ độc giả quốc tế, với nhiều đánh giá 5/5 sao trên Goodreads. Tác phẩm này đã lọt vào danh sách “Một trong những quyển hay nhất năm 2022” của Washington Post, Cosmopolitan và NPR. Trên Goodreads, một độc giả nhận xét rằng cuốn sách này dành cho những ai quan tâm đến sức khỏe tinh thần, chủ đề sắc tộc, danh tính người Mỹ gốc Á hoặc những câu chuyện về tự nhận thức.
Stephanie Foo, 38 tuổi, hiện đang sống ở New York. Cô là một tác giả và nhà sản xuất nổi tiếng với các chương trình radio như This American Life, Snap Judgement, Reply All, 99% Invisible và Radiolab. Một số bài viết của cô đã được đăng trên New York Times. Cô cũng là một diễn giả và giảng viên, từng dạy tại Đại học Columbia.
Admin
Nguồn: VnExpress