Một sáng thứ Bảy, tôi đứng chờ bạn trước quán phở quen thuộc trên con phố nhỏ đã tồn tại gần 30 năm. Nơi đây nổi tiếng với nước dùng đậm đà ninh từ xương trong suốt 8 tiếng và những miếng nạm gầu béo ngậy khiến thực khách nhớ mãi.
Tuy nhiên, sau nhiều lần ghé thăm quán phở này và những quán khác, tôi nhận thấy một điều khá thú vị: phần lớn khách hàng là những người trung niên, trên 40 tuổi. Trong khi đó, các quán trà sữa, đồ ăn nhanh, gà rán hay lẩu băng chuyền lại tấp nập giới trẻ, sinh viên và nhân viên văn phòng.
Sự khác biệt này đặt ra một câu hỏi tưởng chừng đơn giản nhưng lại không dễ trả lời: Vì sao giới trẻ ngày nay có xu hướng ít ăn phở, bún chả hơn trước?
Lý giải cho điều này không hề khó. Nhịp sống đô thị hối hả, với sự tiện lợi được đặt lên hàng đầu, biến bữa sáng thành một cuộc chạy đua với thời gian. Sandwich, cơm cuộn kiểu Hàn, mì gói hay trà sữa với vô vàn loại topping trở thành lựa chọn ưu tiên.
Từ phía người bán, nhiều quán phở dường như cũng không còn quá mặn mà với việc thu hút khách hàng trẻ tuổi. Một chủ quán phở chia sẻ: “Giới trẻ giờ ít khi ghé quán lắm, chủ yếu là người lớn tuổi họ thích ngồi ăn phở thôi.”
Cách vận hành của nhiều quán phở hiện nay vô tình biến món ăn này thành một món ăn “của thế hệ trước”. Trên bàn ăn vẫn là những chai tương ớt cũ kỹ, lọ tiêu nhựa đã ngả màu, và chiếc khăn ăn mỏng dùng đi dùng lại nhiều lần. Không có gì ngạc nhiên khi phở dần mất đi vị thế trong bản đồ ẩm thực buổi sáng của giới trẻ.
Điều đáng nói hơn cả là sự đứt gãy trong văn hóa ẩm thực. Phở không chỉ là một món ăn, mà còn là một biểu tượng. Nhiều món ăn truyền thống khác cũng vậy, dường như chỉ còn được những người trung niên, những người tự cho mình là sành ăn tìm đến, như một sự khám phá “quán này ít người biết, chỉ mình tôi biết”.
Văn hóa không phải là một thứ bất biến. Nó luôn thay đổi, thích nghi và tái sinh. Nếu phở muốn tiếp tục tồn tại, không chỉ như một biểu tượng của quá khứ, thì những người làm phở nói riêng và những người gìn giữ các món ăn truyền thống khác nói chung cần phải xem xét lại cách “đối thoại” với thế hệ mới.
Phở sẽ không biến mất, nhưng nó không thể chỉ sống lay lắt dựa vào ký ức của những người lớn tuổi.
Admin
Nguồn: VnExpress