Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng trong quá trình điều trị ung thư gan, giúp hỗ trợ hệ miễn dịch, giảm nhẹ các tác dụng phụ và tăng cường khả năng phục hồi của cơ thể. Dưới đây là một số gợi ý về thực phẩm nên và không nên dùng cho bệnh nhân ung thư gan.
Các loại trái cây và rau củ là nguồn cung cấp dồi dào chất chống oxy hóa và các dưỡng chất thiết yếu, hỗ trợ hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả trong suốt quá trình điều trị. Bên cạnh đó, hàm lượng chất xơ cao trong rau củ quả giúp hệ tiêu hóa hoạt động trơn tru, đồng thời loại bỏ các độc tố ra khỏi cơ thể. Đặc biệt, chuối chứa nhiều kali, giúp bổ sung lượng điện giải bị mất do tiêu chảy hoặc nôn mửa, những tác dụng phụ thường gặp sau hóa trị và xạ trị.
Thịt gà là nguồn protein nạc lý tưởng, cung cấp các dưỡng chất cần thiết cho quá trình tái tạo và phục hồi của cơ thể. Đối với bệnh nhân ung thư gan, việc bổ sung cá, đặc biệt là các loại cá béo như cá hồi và cá thu, rất quan trọng. Chúng không chỉ giàu protein mà còn chứa nhiều chất béo lành mạnh, giúp tăng cường hệ miễn dịch. Axit béo omega-3 có trong các loại cá này còn có đặc tính chống viêm. Lưu ý, khi chế biến, người bệnh nên ưu tiên các phương pháp như nướng hoặc hấp để hạn chế dầu mỡ và chất béo.
Canh hầm xương và rau củ là món ăn dễ tiêu hóa, cung cấp nhiều chất dinh dưỡng và khoáng chất quan trọng, giúp người bệnh đáp ứng nhu cầu calo hàng ngày. Nước hầm xương còn có tác dụng thanh lọc gan, thúc đẩy quá trình hồi phục của cơ thể. So với các loại thịt đỏ, món hầm mềm thường dễ tiêu hóa hơn, từ đó giảm gánh nặng cho gan và hệ tiêu hóa.
Gừng là một gia vị tuyệt vời giúp giảm cảm giác buồn nôn, một tác dụng phụ thường gặp trong quá trình điều trị ung thư. Việc thêm gừng vào các món canh hoặc xào không chỉ tăng thêm hương vị mà còn hỗ trợ tăng cường sức khỏe. Gừng có tác dụng làm tăng tốc độ làm rỗng dạ dày và có đặc tính chống viêm, cả hai đều rất có lợi cho bệnh nhân ung thư gan.
Ngược lại, người bệnh ung thư gan nên tránh các loại thịt chế biến sẵn như xúc xích và thịt nguội. Chúng thường chứa nhiều muối và chất bảo quản, gây quá tải cho gan. Việc tiêu thụ quá nhiều các loại thịt này khiến gan phải hoạt động nhiều hơn để chuyển hóa và đào thải chất béo bão hòa, làm tăng nguy cơ viêm nhiễm và khiến các triệu chứng bệnh trở nên nghiêm trọng hơn. Ngoài ra, thịt chế biến sẵn còn dễ gây tăng cân và tăng đường huyết, ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tổng thể của người bệnh.
Thực phẩm mặn cũng cần được hạn chế tối đa. Các món ăn nhiều muối chứa nitrat, khi vào dạ dày có thể kết hợp với một số axit amin tạo thành nitrosamine, làm tăng nguy cơ tổn thương gan. Ăn nhiều muối còn gây khó tiêu, đầy hơi và khiến cơ thể tích tụ thêm dịch xung quanh gan, ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe. Do đó, bệnh nhân ung thư gan nên hạn chế các món tẩm ướp nhiều muối, dưa chua, kim chi và các loại thực phẩm tương tự.
Admin
Nguồn: VnExpress