UBND tỉnh Gia Lai vừa trình HĐND tỉnh dự thảo Nghị quyết về chính sách hỗ trợ cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động chịu ảnh hưởng bởi việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp tỉnh và cấp xã. Đề xuất này do ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai, ký ngày 17/7.
Đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ bao gồm cán bộ, công chức, viên chức và người lao động đang làm việc tại các cơ quan Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội, và các đơn vị sự nghiệp công lập, những người bị tác động do việc điều chỉnh địa giới hành chính.

Dự thảo nghị quyết quy định cụ thể về mức hỗ trợ đi lại và thuê nhà ở cho cán bộ cấp tỉnh phải thay đổi nơi làm việc, với mức tối đa 6 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, 2 triệu đồng dành cho chi phí đi lại và 4 triệu đồng hỗ trợ thuê nhà ở.
Lý giải về mức hỗ trợ này, UBND tỉnh cho biết đã khảo sát thực tế tuyến đường Quy Nhơn – Pleiku (dài khoảng 160 km). Kết quả cho thấy, mức hỗ trợ 2 triệu đồng/tháng là phù hợp cho việc đi lại hai lượt trong bốn tuần làm việc. Mức hỗ trợ 4 triệu đồng/tháng tiền thuê nhà được áp dụng cho những cán bộ không sử dụng nhà công vụ.
Đối với cán bộ, công chức cấp xã, mức hỗ trợ dao động từ 500.000 đồng đến 2 triệu đồng/người/tháng, tùy thuộc vào khoảng cách di chuyển sau khi sắp xếp. Tổng số tiền hỗ trợ dự kiến cho mỗi cá nhân trong vòng hai năm có thể lên đến 145,7 triệu đồng đối với cấp tỉnh và 103,8 triệu đồng đối với cấp xã.
Nguồn kinh phí để thực hiện chính sách này sẽ được lấy từ ngân sách tỉnh và các nguồn hợp pháp khác. Thời gian thực hiện hỗ trợ kéo dài hai năm, từ ngày 1/7/2024 đến hết ngày 30/6/2027.
Theo báo cáo của Sở Nội vụ tỉnh Gia Lai, sau quá trình sáp nhập, dự kiến có khoảng 1.972 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động từ các cơ quan, tổ chức của tỉnh Gia Lai sẽ chuyển về công tác tại Trung tâm hành chính cấp tỉnh mới, được đặt tại tỉnh Bình Định.
Admin
Nguồn: VnExpress