Chủ công ty địa ốc khai dùng ‘chim mồi’ dụ hàng trăm người mua dự án dỏm

Ngày 18/7, TAND tỉnh Đồng Nai đã chính thức mở phiên tòa xét xử sơ thẩm đối với 87 bị cáo trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần đầu tư kinh doanh Lộc Phúc (TP.HCM). Phiên tòa bắt đầu bằng phần thẩm tra lý lịch và công bố cáo trạng sau ba ngày chuẩn bị.

Theo cáo trạng, Huỳnh Hữu Tường, người được xác định là chủ mưu và điều hành chính của Công ty Lộc Phúc, bị cáo buộc đã tổ chức lừa đảo 165 khách hàng, chiếm đoạt tổng cộng 255 tỷ đồng. Trong số các bị cáo, ngoài ban lãnh đạo công ty, còn có các giám đốc sàn, trưởng phòng, nhân viên bán hàng, bộ phận pháp lý, kế toán và cả những người được thuê đóng vai “chim mồi”.

Quá trình điều tra cho thấy, vào năm 2020, Tường thành lập Công ty TNHH Đầu tư môi giới bất động sản Vạn Phúc. Từ tháng 4/2022 đến tháng 8/2023, Tường thuê Nguyễn Văn An (29 tuổi) đứng tên thành lập Công ty Lộc Phúc và Công ty TNHH Bất động sản Green Link Real, cả hai đều có trụ sở tại TP.HCM. Mọi hoạt động của các công ty này đều do Tường đầu tư vốn và trực tiếp điều hành.

Tường trả lời câu hỏi của luật sư bào chữa sáng 18/7. Ảnh: Phước Tuấn
Chủ mưu Huỳnh Hữu Tường trả lời câu hỏi của luật sư bào chữa sáng 18/7. Ảnh: Phước Tuấn. Ảnh: Internet

Các nhân viên của Công ty Lộc Phúc và Green Link Real, dưới sự chỉ đạo của Tường, đã sử dụng thông tin gian dối và tự ý in ấn sơ đồ các dự án khu dân cư không có thật tại các xã An Phước (huyện Long Thành cũ), Sông Thao, An Viễn (huyện Trảng Bom cũ) và Hưng Lộc (Thống Nhất cũ).

Để thực hiện hành vi lừa đảo, các bị cáo đã lấy hình ảnh và giá bán của những căn nhà đẹp trên mạng xã hội, sau đó chỉnh sửa giá bán thấp hơn và quảng cáo là sản phẩm của công ty. Nhân viên kinh doanh còn mua thông tin cá nhân để gọi điện mời chào mua nhà đất. Thêm vào đó, công ty thuê người đóng giả khách hàng (chim mồi) để tạo sự tin tưởng và lôi kéo người mua tại các sự kiện do công ty tổ chức.

Khách hàng được đưa đi tham quan các dự án “ma”, thực chất không thuộc sở hữu của công ty, nhưng được giới thiệu là có cơ sở hạ tầng tốt để khuyến khích họ ký hợp đồng và đặt cọc. Khi khách hàng đồng ý, Công ty Lộc Phúc yêu cầu chuyển một khoản tiền tương ứng 60-70% giá trị lô đất, với mức giá cao hơn nhiều so với giá thị trường.

Giám đốc sàn phản bác lời khai của Tường, cho rằng các chủ trương thực hiện do ông chủ chỉ đạo. Ảnh: Phước Tuấn
Giám đốc sàn Nguyễn Thanh Từng phản bác lời khai của Tường, cho rằng các chủ trương thực hiện đều do ông chủ chỉ đạo. Ảnh: Phước Tuấn. Ảnh: Internet

Sau khi ký “hợp đồng đặt cọc”, nếu khách hàng không đủ khả năng tài chính hoặc không đồng ý hoàn tất việc chuyển nhượng, họ sẽ mất số tiền đã đặt cọc. Ngược lại, nếu khách hàng chuyển đủ tiền mua đất, nhân viên công ty sẽ đưa họ đến một văn phòng công chứng tại xã Long An, huyện Long Thành (nay là xã Long Thành) để ký hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà không cho khách hàng biết trước về các thửa đất này.

Khi khách hàng kiểm tra thực tế, họ phát hiện thửa đất không đúng như cam kết, giá trị chỉ bằng khoảng 1/3 so với giá thị trường. Khi phát hiện bị lừa, khách hàng đến khiếu nại thì công ty sẽ cử nhân viên pháp chế ra giải quyết bằng cách đổ lỗi cho khách hàng và từ chối trách nhiệm.

Tháng 8/2023, sau khi nắm bắt được toàn bộ hành vi phạm tội của Tường và đồng phạm, Giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai, Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Quang, đã chỉ đạo triệt phá đường dây này. Chiều 31/8, khi Công ty Lộc Phúc đang chở hàng chục khách hàng đến “sàn giao dịch” tại xã An Viễn, hàng trăm trinh sát đã ập vào khống chế, bắt quả tang Nguyễn Văn An cùng 122 nhân viên đang thực hiện hành vi lừa đảo, cùng với 20 người được thuê đóng giả khách hàng.

Tại phiên tòa, Tường khai đã đầu tư hơn 80 tỷ đồng để mua các lô đất đã có sổ đỏ tại Đồng Nai (không phải dự án) và bán lại. Để dễ dàng bán được hàng, Tường đã bàn bạc với nhân viên sử dụng “chim mồi” để tạo hiệu ứng đám đông, đánh vào tâm lý khách hàng. “Bị cáo thấy các sàn bất động sản khác cũng làm như vậy nên làm theo, chứ không biết đó là hành vi lừa đảo”, Tường biện minh.

Để thực hiện việc “chim mồi” (hay còn gọi là “AC”), kế toán thường ứng trước cho mỗi người từ 500 triệu đến 1 tỷ đồng. Số tiền này sẽ được hoàn trả lại cho công ty sau khi đã lừa bán được đất cho khách hàng thật.

Theo cơ quan điều tra, những “AC” này được đào tạo và hướng dẫn theo kịch bản có sẵn. Trên xe 52 chỗ chở khách hàng đến các khu đất, họ sẽ được phân công ngồi xen kẽ với khách hàng, giả làm người mua bất động sản, tiếp cận để tạo sự gần gũi, đồng cảm, sau đó lôi kéo, dụ dỗ họ cùng giao dịch.

Tại “dự án” do Công ty Lộc Phúc tự dựng lên, các “AC” luôn áp sát, tiếp cận để đồng hành cùng khách hàng. Công ty cũng bố trí hàng chục nhân viên vây quanh khách, giới thiệu sản phẩm với giá trị cao gấp nhiều lần giá trị thực tế của lô đất, liên tục thúc ép đặt cọc và tạo áp lực tâm lý khiến nạn nhân không có sự lựa chọn nào khác.

Cảnh sát đột kích sàn giao dịch của Công ty Lộc Phúc ở xã An Viễn, huyện Trảng Bom, bắt quả tang hàng trăm người đang dụ khách hàng mua dự án ma, ngày 31/8. Ảnh: Thái Hà
Cảnh sát đột kích “sàn giao dịch” của Công ty Lộc Phúc ở xã An Viễn, huyện Trảng Bom, bắt quả tang hàng trăm người đang dụ khách hàng mua dự án “ma”, ngày 31/8. Ảnh: Thái Hà. Ảnh: Internet

Các “AC” cũng diễn vai góp tiền với khách hàng, đặt cọc các lô đất để được hưởng “chiết khấu giả”. Khi khách hàng đồng ý đặt cọc (thường khoảng 100 triệu đồng), “AC” sẽ đặt cọc theo để kích thích, động viên khách mua đất bằng được. Sau khi đặt cọc và viết biên nhận, khách hàng được đưa lên xe 7 chỗ, đi cùng “AC”, trưởng phòng kinh doanh và nhân viên tư vấn để tiếp tục tác động khách hàng đặt thêm tiền cọc, lên đến 60-70% giá trị giao dịch. Nếu khách hàng phát hiện giá đất cao hơn thực tế và yêu cầu trả lại cọc, yêu cầu này sẽ bị từ chối.

Trả lời trước tòa về các thủ đoạn như mua thông tin cá nhân để dùng sim rác gọi điện, dụ khách hàng mua nhà ở TP.HCM rồi đưa đi Đồng Nai, tổ chức sự kiện, Tường khai “không hay biết, do các giám đốc sàn và trưởng phòng thực hiện”.

“Bị cáo chỉ mua đất và đưa ra mức giá cần bán, còn hình thức quảng cáo và phương thức bán như thế nào thì không nắm. Cái này do các giám đốc sàn và nhân viên thực hiện”, Tường khai và cho biết thêm, mỗi lô đất bán được, cấp dưới sẽ được chia hoa hồng 230 triệu đồng.

Tường khai mỗi nhân viên được trả lương cứng 3 triệu đồng/tháng, cùng 700.000 đồng tiền quảng cáo mỗi tuần. Công ty có 5-7 sàn giao dịch, mỗi sàn có một trưởng phòng và các nhân viên bán hàng. “Tất cả tiền bán được và chi ra cho nhân viên đều thông qua kế toán”, Tường nói.

Nguyễn Thanh Từng (30 tuổi), Giám đốc sàn Tân Bình của công ty, đã phản bác lời khai của Tường, khẳng định mọi chủ trương đều do Tường chỉ đạo, họ chỉ làm theo. Bị cáo này cho biết lương cứng được trả là 35 triệu đồng, và mỗi lô đất bán được thì nhận hoa hồng 5 triệu đồng.

Trong phiên xét hỏi, chủ tọa và đại diện VKS nhiều lần nhắc nhở các bị cáo cần thành khẩn khai báo, trả lời đúng trọng tâm, tránh nói vòng vo để được xem xét giảm nhẹ hình phạt.

Phiên tòa dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 15/8.

Admin


Nguồn: VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *