Câu chuyện xảy ra trong một lần tôi đến thăm nhà cô bạn thân, chứng kiến cảnh con trai cô bé đang khóc nức nở vì bị phạt chép bài. Điều đáng nói là, trước đó, bạn tôi vừa tự hào khoe con đang theo học tại một trường quốc tế danh tiếng với mức học phí gần 300 triệu đồng mỗi năm.
Trước sự ngỡ ngàng của tôi, bạn tôi thản nhiên giải thích rằng ở trường học theo phương pháp giáo dục phương Tây, nhưng về nhà vẫn cần rèn con theo nề nếp truyền thống để vào khuôn khổ. Điều này khiến tôi đặt ra hai câu hỏi lớn.
Thứ nhất, việc đầu tư cho con học trường quốc tế có ý nghĩa gì khi về nhà lại áp dụng hình phạt chép bài? Thứ hai, việc phạt con khi có khách đến nhà, khiến con xấu hổ và khóc lóc, liệu có phù hợp?
Tôi nhận thấy một thực tế là nhiều gia đình sẵn sàng chi một khoản tiền lớn để con cái được tiếp cận môi trường giáo dục hiện đại, nhưng phương pháp dạy dỗ tại nhà lại đi theo lối mòn cũ kỹ: phạt chép, quát mắng, chì chiết, và so sánh con với người khác.
Trong khi ở trường, giáo viên có thể sử dụng những phản hồi tích cực để giúp trẻ hiểu và điều chỉnh hành vi, thì ở nhà, cha mẹ lại quay về với hình thức phạt để răn đe. Đây quả là một nghịch lý.
Nhiều bậc cha mẹ kỳ vọng trường quốc tế sẽ giúp con tự tin, sáng tạo và có tư duy phản biện, nhưng khi về nhà lại yêu cầu con phải tuyệt đối nghe lời, không được cãi lại hay mắc lỗi. Họ ca ngợi việc trường dạy con kỹ năng thuyết trình và làm việc nhóm, nhưng lại áp đặt con, không cho phép con có ý kiến riêng và coi việc đối đáp với người lớn là hỗn láo.
Vậy, mục tiêu thực sự của chúng ta khi cho con đi học là gì? Nếu chúng ta vẫn giữ cách kỷ luật cứng nhắc, coi con như một cỗ máy cần được lập trình lại mỗi khi gặp lỗi, thì việc cho con học trường quốc tế chẳng khác nào mua một chiếc siêu xe nhưng chỉ cho chạy trên đường làng với tốc độ hạn chế.
Đầu tư vào giáo dục là một việc làm đáng trân trọng, nhưng sự đầu tư này sẽ trở nên lãng phí nếu không đi kèm với sự thay đổi trong tư duy nuôi dạy con. Nếu cha mẹ không sẵn sàng thay đổi, thì ngôi trường “hiện đại” kia, dù tốn kém đến đâu, cũng khó có thể tạo ra sự khác biệt.
Tôi không có ý định so sánh giữa các trường, mà chỉ muốn nhấn mạnh rằng việc con học ở đâu, học trường nào chỉ là một phần trong quá trình giáo dục. Điều quan trọng không kém là cách cha mẹ đối xử và tiếp cận phương pháp dạy dỗ con tại nhà.
Nếu chỉ nghĩ rằng học phí cao và môi trường cởi mở là đủ, mà thiếu đi sự đồng hành đúng đắn từ gia đình, thì đó chẳng khác nào chỉ mua một lớp vỏ hào nhoáng bên ngoài.
Sự phát triển của một đứa trẻ không chỉ phụ thuộc vào số tiền mà cha mẹ bỏ ra, mà còn nằm ở cách cha mẹ nuôi dạy và trò chuyện với con mỗi ngày. Trường học có thể trang bị cho con kiến thức và kỹ năng, nhưng chỉ có gia đình mới có thể dạy con cách yêu thương, lắng nghe và trưởng thành.
Nếu tư duy dạy con không thay đổi, thì dù con học ở bất cứ đâu, con cũng sẽ chỉ loay hoay trong nỗi sợ hãi, thay vì được lớn lên trong sự tin tưởng và yêu thương.
Admin
Nguồn: VnExpress