Campuchia: Gần 2.300 nghi phạm lừa đảo bị bắt sau truy quét

Ngày 18/7, Ban Thư ký Ủy ban Quốc gia Phòng chống Lừa đảo Công nghệ Campuchia cho biết phần lớn nghi phạm bị bắt trong chiến dịch truy quét các ổ lừa đảo trực tuyến, được khởi động từ ngày 27/6, là công dân Trung Quốc và Indonesia. Số còn lại đến từ nhiều quốc gia châu Á khác, trong đó có một số người Việt Nam.

Các nghi phạm lừa đảo trực tuyến bị bắt tại một khu phức hợp ở tỉnh Sihanoukville, phía nam Phnom Penh, ngày 15/7. Ảnh: AKP
Ảnh: Bắt nghi phạm lừa đảo trực tuyến ở Sihanoukville, Campuchia. Ảnh: Internet

Trong quá trình thực thi chiến dịch kéo dài ba tuần, giới chức Campuchia đã tiến hành phong tỏa các địa điểm bị trấn áp và bàn giao những nghi phạm bị cáo buộc cầm đầu đường dây cho tòa án. Nhiều bằng chứng đã được thu giữ tại các tỉnh và thủ đô Phnom Penh, bao gồm máy tính để bàn, máy tính xách tay, điện thoại di động, ma túy đá, đồng phục cảnh sát giả và súng đạn.

Bộ trưởng Thông tin Campuchia, ông Neth Pheaktra, khẳng định chiến dịch truy quét sẽ tiếp tục được triển khai mạnh mẽ, với mục tiêu xóa bỏ hoàn toàn mọi hoạt động tội phạm mạng, bất kể địa điểm hay tổ chức nào liên quan.

Trước đó, ngày 17/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam, bà Phạm Thu Hằng, xác nhận thông tin hơn 140 công dân Việt Nam đã bị bắt giữ tại Phnom Penh do liên quan đến các hoạt động lừa đảo trực tuyến.

Ngay sau khi nhận được thông tin, cơ quan đại diện Việt Nam tại Campuchia đã chủ động liên hệ với giới chức sở tại để tìm hiểu thông tin chi tiết, phối hợp hoàn tất các thủ tục xác minh nhân thân ban đầu và đề nghị phía Campuchia đảm bảo điều kiện sinh hoạt cho các công dân Việt Nam bị bắt giữ. Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đang phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng trong nước và sở tại để triển khai các thủ tục lãnh sự cần thiết, nhằm hỗ trợ và đưa công dân Việt Nam về nước trong thời gian sớm nhất.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng đưa ra khuyến cáo: “Chúng tôi một lần nữa khuyến cáo công dân cần tỉnh táo trước những lời mời làm việc ở nước ngoài với mức lương cao, không yêu cầu bằng cấp và không cần thông qua các bên trung gian. Công dân nên tìm hiểu kỹ thông tin về công ty và môi trường làm việc trước khi quyết định ra nước ngoài làm việc.”

Theo báo cáo của Liên Hợp Quốc, hàng trăm nghìn người đã trở thành nạn nhân của các băng nhóm tội phạm, bị buôn bán và buộc phải làm việc tại các trung tâm lừa đảo trực tuyến bất hợp pháp trên khắp khu vực Đông Nam Á. Báo cáo năm 2023 của Liên Hợp Quốc ước tính rằng các mạng lưới lừa đảo này tạo ra nguồn lợi nhuận phi pháp lên đến hàng tỷ đô la Mỹ mỗi năm.

Admin


Nguồn: VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *