Mới đây, làng điền kinh thế giới xôn xao trước thông tin vận động viên (VĐV) marathon Ruth Chepngetich bị đình chỉ thi đấu tạm thời do nghi vấn sử dụng doping. Điều này làm dấy lên những tranh cãi về tính minh bạch của các kỷ lục thế giới, đặc biệt là những kỷ lục tồn tại từ lâu và liên quan đến các cáo buộc sử dụng chất cấm.
Tại Chicago Marathon 2024 diễn ra vào ngày 16/10, Chepngetich đã xuất sắc về nhất với thời gian 2 giờ 9 phút 57 giây. Thành tích này không chỉ giúp cô phá sâu kỷ lục cũ 2 giờ 11 phút 53 giây do Tigist Assefa (Ethiopia) lập tại Berlin Marathon 2023, mà còn đưa Chepngetich trở thành nữ VĐV đầu tiên trong lịch sử chạy marathon dưới 2 giờ 10 phút – một cột mốc mà nhiều người từng cho là không thể đạt được.
Tuy nhiên, niềm vui ngắn chẳng tày gang, vào ngày 17/7, Chepngetich đã bị đình chỉ tạm thời sau khi mẫu xét nghiệm của cô cho kết quả dương tính với hydrochlorothiazide (HTCZ), một loại thuốc lợi tiểu bị cấm, thường được sử dụng để che giấu các chất kích thích hiệu suất (PED).
Mẫu xét nghiệm này được lấy vào ngày 14/3, không phải từ thời điểm cô lập kỷ lục tại Chicago Marathon hồi tháng 10/2024. Do đó, nhiều khả năng kỷ lục của Chepngetich vẫn sẽ được công nhận, bất kể kết quả điều tra doping ra sao.
Vụ bê bối của Chepngetich làm dư luận chú ý đến người đại diện của cô, Federico Rosa, một “ông trùm” môi giới VĐV người Italy. Rosa từng đại diện cho nhiều VĐV hàng đầu thế giới, nhưng ít nhất 8 người trong số đó đã dính líu đến các vụ án doping. Gần đây nhất, vào tháng 5/2025, Maryna Bekh-Romanchuk, ngôi sao nhảy xa người Ukraine từng hai lần giành ngôi Á quân thế giới, cũng bị đình chỉ thi đấu tạm thời sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính với testosterone.
Trong bối cảnh đó, di sản của những kỷ lục thế giới, đặc biệt là những kỷ lục tồn tại lâu năm và liên quan đến các nghi vấn doping, đang bị xem xét kỹ lưỡng. Nhiều kỷ lục được thiết lập từ rất lâu trước khi có các quy trình xét nghiệm và công nghệ phát hiện tiên tiến đang bị đặt dưới làn sóng chỉ trích.
Nhiều quan chức điền kinh thế giới từng đề xuất “xóa trắng” các kỷ lục được thiết lập trước năm 2005, thời điểm Liên đoàn Điền kinh Quốc tế (IAAF) bắt đầu lưu trữ mẫu máu và nước tiểu để có thể xét nghiệm lại về sau.
Dưới đây là một số kỷ lục thế giới gây tranh cãi nhất trong lịch sử điền kinh, tương tự như trường hợp của Chepngetich, nhiều khả năng vẫn sẽ được lưu giữ trong sách kỷ lục, dù có không ít hoài nghi xoay quanh tính hợp lệ.
**Marita Koch (Đông Đức) – Chạy 400m nữ (47 giây 60, năm 1985)**
Marita Koch, VĐV người Đông Đức, vẫn đang giữ kỷ lục thế giới ở nội dung chạy 400m nữ với thời gian 47 giây 60, được thiết lập vào năm 1985. Thành tích này nhanh hơn gần 0,4 giây so với bất kỳ VĐV nào từng đạt được từ đó đến nay, một khoảng cách được đánh giá là “khó tin” trong môn điền kinh đỉnh cao.
Trong sự nghiệp của mình, Koch đã thiết lập tổng cộng 16 kỷ lục thế giới ngoài trời và 14 kỷ lục trong nhà. Cô cũng giành huy chương vàng 400m tại Thế vận hội Moscow 1980 và vô địch thế giới nội dung 200m vào năm 1983.
Dù chưa từng bị phát hiện sử dụng doping theo các phương pháp kiểm tra thời đó, Koch thi đấu trong giai đoạn mà Đông Đức được cho là vận hành một chương trình doping quy mô nhà nước.
Đến năm 1992, các nhà hoạt động chống doping tại Đức đã công bố loạt tài liệu nội bộ, tiết lộ dữ liệu sử dụng chất cấm của nhiều VĐV Đông Đức. Trong số đó có tên Marita Koch, người bị cho là đã sử dụng steroid đồng hóa Oral-Turinabol trong giai đoạn từ 1981 đến 1984.
**Jarmila Kratochvilova (Tiệp Khắc) – Chạy 800m nữ (1 phút 53 giây 28, năm 1983)**
Năm 1983, VĐV người Tiệp Khắc Jarmila Kratochvilova trở thành người phụ nữ thứ hai trong lịch sử chạy 800m dưới 1 phút 54 giây, với thời gian 1 phút 53 giây 28. Đây là kỷ lục thế giới vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay, sau 42 năm.
Cũng trong năm đó, tại Giải vô địch điền kinh thế giới 1983, Kratochvilova giành cú đúp huy chương vàng ở nội dung 400m và 800m, đồng thời lập kỷ lục thế giới ở nội dung 400m với thành tích 47 giây 99. Dù kỷ lục này sau đó bị Marita Koch xô đổ, thành tích của Kratochvilova vẫn là thứ hai nhanh nhất trong lịch sử.
Bất chấp những nghi ngờ về doping, Kratochvilova chưa từng bị phát hiện dương tính trong bất kỳ cuộc kiểm tra chất cấm nào. Năm 2006, một tờ báo tại Praha công bố tài liệu điều tra cho thấy chính phủ Tiệp Khắc từng điều hành một chương trình doping được nhà nước bảo trợ, tương tự như Đông Đức. Tuy nhiên, không có bằng chứng trực tiếp nào cho thấy Kratochvilova, VĐV nổi bật nhất của Tiệp Khắc thời bấy giờ, có liên quan đến hệ thống này.
**Javier Sotomayor (Cuba) – Nhảy cao nam (2,45m, năm 1993)**
VĐV người Cuba Javier Sotomayor thiết lập kỷ lục thế giới ở nội dung nhảy cao nam vào năm 1993 với độ cao 2,45m. Thành tích này đến nay vẫn chưa ai có thể vượt qua, cách biệt tới 2cm so với người đứng thứ hai trong lịch sử.
Trước đó một năm, Sotomayor từng giành huy chương vàng Olympic tại Barcelona 1992, củng cố vị thế số một thế giới của mình.
Tuy nhiên, di sản của Sotomayor đã bị che mờ bởi hàng loạt bê bối doping. Tại Đại hội Thể thao Pan American năm 1999 ở Winnipeg, anh bị phát hiện dương tính với cocaine, bị tước huy chương vàng và nhận án phạt cấm thi đấu hai năm.
Đến năm 2000, án cấm được giảm nhẹ bất ngờ, giúp anh kịp giành huy chương bạc tại Olympic Sydney.
Tuy nhiên, chỉ một năm sau đó, Sotomayor lại bị phát hiện sử dụng chất cấm nandrolone, một loại steroid đồng hóa, và bị cấm thi đấu vĩnh viễn. Hơn ba thập kỷ đã trôi qua, thành tích 2,45m của anh vẫn là đỉnh cao tuyệt đối của làng điền kinh thế giới, nhưng cũng là một trong những kỷ lục gây tranh cãi nhất lịch sử.
**Wang Junxia (Trung Quốc) – Chạy 3.000m nữ (8 phút 6 giây 11, năm 1993)**
Năm 1993, VĐV người Trung Quốc Wang Junxia thiết lập kỷ lục thế giới ở nội dung chạy 3.000m nữ với thành tích 8 phút 6 giây 11. Thành tích này đến nay vẫn nhanh hơn 5 giây so với bất kỳ VĐV nào. Beatrice Chebet, VĐV đang giữ kỷ lục thế giới ở cự ly 5.000m, chỉ có thành tích 3.000m tốt nhất là 8 phút 11 giây 56 hồi tháng 5/2024.
Không chỉ vậy, Wang còn từng nắm giữ kỷ lục thế giới ở nội dung 10.000m nữ với thời gian 29 phút 31 giây 78, kỷ lục tồn tại suốt 23 năm.
Tuy nhiên, chiến công của Wang bị phủ bóng bởi nghi vấn doping kéo dài nhiều thập kỷ. Năm 2016, IAAF mở cuộc điều tra sau khi một bức thư được viết vào năm 1995 được công bố. Bức thư này do Wang cùng 9 VĐV khác, tất cả đều do HLV Ma Junren dẫn dắt, đồng ký tên. Trong đó, họ tố cáo Ma Junren đã ép buộc họ sử dụng các chất cấm trong suốt quá trình tập luyện và thi đấu.
Dù có lời thú nhận từ chính VĐV, kỷ lục 3.000m của Wang Junxia vẫn chưa bị hủy bỏ.
**Christian Coleman (Mỹ) – Chạy 60m trong nhà (6 giây 34, năm 2018)**
Tháng 2/2018, VĐV người Mỹ Christian Coleman đã phá vỡ kỷ lục tồn tại suốt 20 năm ở nội dung chạy 60m trong nhà, với thành tích 6 giây 34, vượt qua cột mốc 6 giây 39 của huyền thoại Maurice Greene. Một năm sau, Coleman giành huy chương vàng ở nội dung 100m tại Giải vô địch thế giới 2019.
Tuy nhiên, năm 2020, Coleman bị cấm thi đấu 2 năm do vắng mặt trong ba lần kiểm tra doping ngoài thi đấu, điều này được xếp vào vi phạm về quản lý nơi ở (whereabouts failure) theo quy định của Cơ quan Chống Doping Thế giới (WADA).
Điều quan trọng là Coleman chưa từng bị phát hiện dương tính với chất cấm. Dù vậy, sự kiện này đã làm dấy lên nhiều nghi vấn về tính minh bạch trong thành tích của anh.
Những trường hợp trên cho thấy, dù đạt được những thành tích phi thường, các VĐV vẫn phải đối mặt với những nghi ngờ và tranh cãi liên quan đến doping. Điều này đặt ra câu hỏi về giá trị thực sự của các kỷ lục và sự công bằng trong thể thao.
Admin
Nguồn: VnExpress