Doanh nghiệp toàn cầu: “Khát” nhân lực xanh cho tăng trưởng bền vững

Báo cáo mới nhất từ Manpower Việt Nam cho thấy, quá trình chuyển đổi sang mô hình kinh doanh bền vững đang thúc đẩy nhu cầu nhân lực trong các ngành công nghiệp, tạo ra sự tăng trưởng đột biến cho các “vai trò xanh”.

Theo Manpower Việt Nam, nhu cầu về nhân lực có kỹ năng xanh hiện đang vượt xa khả năng đáp ứng của thị trường lao động. Một khảo sát trên 40.000 doanh nghiệp tại 42 quốc gia vào tháng 7 năm ngoái cho thấy, có đến 91% doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tìm kiếm nhân sự có đủ kỹ năng xanh để hỗ trợ đạt được các mục tiêu bền vững.

“Việc làm xanh” không chỉ giới hạn ở các công việc liên quan đến lắp đặt điện gió hay năng lượng mặt trời. Manpower phân loại các công việc này thành ba nhóm chính. Thứ nhất là nhóm “xanh truyền thống”, bao gồm các chuyên gia và lao động trực tiếp tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường.

Công nhân lắp đặt các tấm pin điện mặt trời tại một dự án ở Ninh Thuận, tháng 2/2019. Ảnh: Quỳnh Trần
Ninh Thuận: Dự án điện mặt trời và vai trò của công nhân (Ảnh: Quỳnh Trần). Ảnh: Internet

Thứ hai là nhóm “Xanh +”, đòi hỏi người lao động có kiến thức khoa học, kỹ năng chuyên môn sâu rộng và kinh nghiệm thực tế để đóng góp trực tiếp hoặc gián tiếp vào bảo vệ môi trường và hệ sinh thái.

Cuối cùng là nhóm “Xanh ngọc”, bao gồm các nhà lãnh đạo và quản lý cấp cao, những người đóng vai trò then chốt trong việc thiết kế các giải pháp bền vững và phát triển các mô hình kinh doanh xanh trong các lĩnh vực như quản trị, tài chính và marketing.

Nhu cầu nhân lực xanh tăng cao còn do sự ra đời của các quy định mới về tính bền vững như Tiêu chuẩn Báo cáo Bền vững (ESRS) và Chỉ thị Báo cáo Phát triển Bền vững (CSRD) của châu Âu. Do đó, các doanh nghiệp cần tuyển dụng nhân sự có kỹ năng xanh, đồng thời nâng cao kỹ năng cho đội ngũ hiện tại để đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn mới.

Ví dụ, một kế toán viên ngày nay không chỉ cần có năng lực quản lý tài chính và hành chính mà còn phải có khả năng phân tích chiến lược, kiểm soát rủi ro, đánh giá chi phí vòng đời sản phẩm, lập kế hoạch và báo cáo theo tiêu chuẩn ESG (Môi trường, Xã hội, Quản trị), cũng như đặt mục tiêu dựa trên cơ sở khoa học và tránh “tẩy xanh”.

Thực tế cho thấy, nhu cầu nhân lực xanh trong năm 2024 đã tăng gấp đôi so với năm trước. Manpower cũng ước tính rằng hơn một nửa lực lượng lao động toàn cầu cần được đào tạo thêm để đáp ứng yêu cầu công việc hiện tại. Quá trình chuyển đổi xanh sẽ tác động trực tiếp đến kỹ năng của gần 800 vị trí công việc khác nhau.

Sự thiếu hụt kỹ năng sẽ tạo thêm thách thức cho quá trình chuyển đổi này. Dự kiến, tình trạng chênh lệch giữa cung và cầu về nhân lực xanh sẽ tiếp tục kéo dài, có thể dẫn đến thiếu hụt 19% lao động vào năm 2030.

Các chuyên gia của Manpower khuyến nghị các doanh nghiệp nên ưu tiên “tái sử dụng” nguồn nhân lực hiện có thay vì chỉ tập trung vào tuyển dụng mới. Điều này có nghĩa là doanh nghiệp cần đầu tư vào nghiên cứu và phát triển để giúp nhân viên đáp ứng được các yêu cầu công việc mới. Việc tái đào tạo sẽ đặc biệt quan trọng trong các ngành có tính vận hành cao như sản xuất, vận tải và bán lẻ.

Phát triển đội ngũ nhân sự hiện có không chỉ giúp tiết kiệm thời gian và chi phí tuyển dụng mà còn tận dụng được các kỹ năng mềm như giao tiếp hiệu quả và khả năng thích ứng, vốn ngày càng trở nên quan trọng khi tự động hóa có thể thay thế nhiều kỹ năng chuyên môn.

Quản trị nhân sự là một quá trình dài hạn. Các chuyên gia nhân sự nhận định rằng đây là thời điểm thích hợp để xây dựng các vị trí xanh chủ chốt, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, xã hội và nền kinh tế trong tương lai.

Admin


Nguồn: VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *