Việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi đang là mục tiêu trọng tâm của Chính phủ, hứa hẹn mở ra cơ hội thu hút dòng vốn đầu tư lớn từ quốc tế. Các nhà điều hành đang nỗ lực đáp ứng các tiêu chí đánh giá của FTSE Russell, với kỳ vọng được xem xét nâng hạng vào tháng 9 tới.
Theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường VPBankS, việc nâng hạng sẽ tạo động lực lớn cho thị trường chứng khoán trong nửa cuối năm nay. Dựa trên thống kê của Bloomberg, VPBankS nhận thấy hầu hết các thị trường sau khi được nâng hạng đều ghi nhận dòng vốn ngoại tăng mạnh, thường gấp 5-7 lần so với giai đoạn trước đó. VPBankS ước tính Việt Nam có thể thu hút 3-7 tỷ USD khi quyết định nâng hạng có hiệu lực, tạo cú hích đáng kể cho thị trường nếu dòng vốn này được giải ngân nhanh chóng.
Các công ty chứng khoán khác còn dự báo dòng vốn vào Việt Nam có thể cao hơn. Vietcap ước tính việc gia nhập danh sách thị trường mới nổi có thể giúp Việt Nam hút 6-8 tỷ USD vốn ngoại. SSI dự đoán thị trường chứng khoán Việt Nam có thể hút khoảng 1 tỷ USD từ các quỹ ETF nhờ nâng hạng, chưa kể đến các quỹ chủ động, trong đó quỹ Vanguard FTSE Emerging Markets ETF có thể giải ngân hơn 363 triệu USD.
Thực tế, sau khi bán ròng hơn 37.000 tỷ đồng trên sàn TP HCM trong nửa đầu năm, nhà đầu tư nước ngoài đã quay trở lại mua ròng mạnh mẽ, với chuỗi 11 phiên liên tiếp và giải ngân hơn 13.400 tỷ đồng trong nửa đầu tháng 7.

Các chuyên gia SSI dự báo cổ phiếu VIC và VHM sẽ thu hút lượng vốn lớn nhất từ nhà đầu tư nước ngoài, lần lượt là 161 triệu USD và 119 triệu USD. Các cổ phiếu bluechip khác như MSN, VNM, HPG, VCB, SSI cũng được kỳ vọng hút khoảng 50-90 triệu USD.
Theo chuyên gia VDSC, dòng vốn từ các quỹ đầu tư thường ưu tiên các cổ phiếu có sẵn trong rổ FTSE Vietnam Index, sau đó lan tỏa sang các cổ phiếu có định giá hấp dẫn hoặc tiềm năng tăng trưởng tốt.
Hiện tại, Việt Nam đã đáp ứng 7 trên 9 tiêu chí nâng hạng của FTSE Russell. SSI nhận định thị trường đang tiến gần đến việc hoàn tất hai tiêu chí còn lại, liên quan đến chu kỳ thanh toán và chi phí giao dịch thất bại.
Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp để tạo điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư nước ngoài và đáp ứng các tiêu chí đánh giá. Các biện pháp bao gồm ban hành thông tư về hoạt động giao dịch không ký quỹ và kế hoạch triển khai cơ chế đối tác bù trừ trung tâm (CCP) từ năm 2027. Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng đang hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, kỹ thuật và tăng cường trao đổi với các tổ chức xếp hạng và nhà đầu tư nước ngoài.
SSI ước tính có khoảng 90% khả năng Việt Nam sẽ được FTSE Russell công bố là thị trường mới nổi vào cuối năm nay. VPBankS thận trọng hơn, đưa ra con số 70% cho khả năng nâng hạng vào cuối năm nay và 30% vào tháng 3/2026 nếu tổ chức xếp hạng cần thêm thời gian theo dõi các vấn đề về thanh toán và xử lý giao dịch thất bại.
Các chuyên gia Mirae Asset Việt Nam cho biết, nhiều thị trường quốc tế đã có dấu hiệu tăng trưởng trước thời điểm nâng hạng chính thức 1-2 năm, như Qatar (45%), Saudi Arabia (23%) và Romania (18%). Sự kiện nâng hạng thường tạo hiệu ứng tích cực kéo dài về dòng tiền và niềm tin thị trường.
Mirae Asset khuyến nghị nhà đầu tư nên tích lũy cổ phiếu hưởng lợi từ câu chuyện nâng hạng nếu thị trường Việt Nam chính thức được nâng hạng vào tháng 9. Cả Mirae Asset và VDSC đều nhận định nhóm chứng khoán sẽ hưởng lợi trực tiếp, nhờ tăng nguồn thu từ phí giao dịch, dịch vụ, lãi vay ký quỹ và cơ hội cải thiện lợi nhuận từ hoạt động tự doanh.
Admin
Nguồn: VnExpress