Cắt bao quy đầu là một phẫu thuật phổ biến được thực hiện cho trẻ nhỏ và nam giới trưởng thành bị hẹp hoặc dài bao quy đầu. Thủ thuật này mang lại nhiều lợi ích, bao gồm cải thiện vệ sinh, ngăn ngừa viêm nhiễm và nâng cao chất lượng cuộc sống.

Tuy nhiên, theo TS.BS Nguyễn Thế Trường, Phó khoa Tiết niệu – Nam học, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, dù phẫu thuật cắt bao quy đầu tương đối an toàn, vẫn có một tỷ lệ nhỏ bệnh nhân gặp phải tình trạng tái dính bao quy đầu sau phẫu thuật. Tái dính xảy ra khi phần da bao quy đầu đã được tách ra lại dính vào nhau sau một thời gian. Nguy cơ này phụ thuộc vào nhiều yếu tố, bao gồm cách chăm sóc sau phẫu thuật, cơ địa và độ tuổi của người bệnh.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến tái dính là do việc thay băng và vệ sinh không đúng cách. Sau phẫu thuật, vùng quy đầu và da xung quanh rất dễ bị tổn thương, viêm loét hoặc nhiễm trùng nếu không được vệ sinh cẩn thận. Những tổn thương này có thể dẫn đến hình thành sẹo dính. Việc vệ sinh hàng ngày không kỹ lưỡng có thể làm sót cặn bẩn, nước tiểu hoặc dịch tiết tích tụ quanh vết mổ, tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây viêm nhiễm và hình thành sẹo dính trở lại.
Ngoài ra, việc không nong hoặc kéo da sau mổ cũng làm tăng nguy cơ tái dính. Trong quá trình liền sẹo, bác sĩ thường khuyên người bệnh nên lộn nhẹ da bao quy đầu mỗi ngày để ngăn vùng da dính lại vào quy đầu. Đối với trẻ nhỏ, nhiều bậc cha mẹ thường lo sợ con đau nên bỏ qua bước này hoặc thực hiện không dứt khoát, dẫn đến nguy cơ tái dính cao, đặc biệt là ở trẻ có cơ địa sẹo lồi hoặc từng bị viêm bao quy đầu. Các bậc cha mẹ nên chú ý lộn nhẹ bao quy đầu ra khỏi quy đầu cho trẻ mỗi ngày trong khoảng 5-7 ngày sau khi vết mổ đã ổn định.
Viêm nhiễm bao quy đầu cũng là một yếu tố góp phần vào tình trạng tái dính. Viêm nhiễm có thể khiến mô da bị kích thích tăng sinh và hình thành các dải xơ, tạo thành sẹo dính giữa da bao quy đầu và quy đầu dương vật. Nguyên nhân gây viêm nhiễm có thể do mặc quần lót quá chật, sử dụng xà phòng có chất kích ứng hoặc vệ sinh không đúng cách.
Cơ địa cũng đóng một vai trò quan trọng. Một số người có cơ địa dễ hình thành sẹo lồi hoặc mô xơ dính. Đây là phản ứng quá mức của cơ thể trong quá trình lành vết thương. Ngay cả khi chăm sóc đúng cách, những người có cơ địa này vẫn có nguy cơ tái dính cao. Trẻ nhỏ thường có xu hướng tái dính cao hơn người lớn do da và niêm mạc ở giai đoạn phát triển mạnh, khả năng tăng sinh mô liên kết cao.
Để phòng ngừa tái dính, Tiến sĩ Thế Trường khuyến cáo người bệnh cần giữ vùng mổ khô thoáng, sạch sẽ, thoa thuốc theo hướng dẫn (thường là mỡ kháng sinh hoặc mỡ chứa steroid nhẹ), không mặc quần lót bó sát và tránh cọ xát mạnh. Người trưởng thành cần kiêng quan hệ tình dục cho đến khi vết thương lành hoàn toàn.
Trong trường hợp gặp phải tình trạng tái dính sau phẫu thuật, người bệnh không nên quá lo lắng. Đây là một hiện tượng có thể xử lý dễ dàng và ít khi ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe. Nếu tình trạng dính nhẹ và không gây ra triệu chứng, chỉ cần nong nhẹ tại nhà kết hợp với vệ sinh và thoa kem hỗ trợ chống viêm, chống sẹo. Trong trường hợp dính nặng, bác sĩ có thể bóc tách dính dưới gây tê tại chỗ. Thủ thuật này thường được thực hiện nhanh chóng, ít gây đau đớn và người bệnh có thể hồi phục trong thời gian ngắn.
Admin
Nguồn: VnExpress