Ước mơ đại học của vợ chồng và 6 con

Hai mươi lăm năm trước, anh Nguyễn Văn Hậu và chị Lê Thị Nguyệt nên duyên vợ chồng, cùng nhau xây dựng tổ ấm trong căn nhà cấp bốn mái tôn ở xã Triệu Bình, huyện Triệu Phong. Cùng với mẹ già, họ lần lượt đón sáu người con chào đời.

Anh Hậu tâm sự về gia đình đông con của mình: “Vợ tôi không đặt vòng được nên vỡ kế hoạch. Nhưng khi có thai, chúng tôi không nỡ bỏ.” Người con lớn nhất của anh chị năm nay đã 24 tuổi, còn bé út vừa tròn 7 tuổi.

Để trang trải cuộc sống gia đình, nuôi các con ăn học và chăm sóc mẹ già, anh Hậu làm đủ mọi việc: từ ruộng đồng, phụ hồ, đến quét sơn. Chị Nguyệt cũng không quản khó khăn, buôn cá và làm thuê khắp nơi. Người dân Triệu Bình quen thuộc với hình ảnh vợ chồng anh chị dậy sớm, về khuya, luôn cần cù lao động.

Xuất thân nghèo khó, anh Hậu từng đỗ cấp ba nhưng không có điều kiện theo học. Anh luôn day dứt vì tuổi trẻ không được đến trường như bạn bè. “Tôi không muốn các con khổ như mình, cũng không muốn vì đông con mà tụi nhỏ phải chịu thiệt thòi,” anh Hậu tâm sự.

Sau mỗi vụ mùa, anh Hậu lại rời quê vào TP.HCM tìm kiếm cơ hội mưu sinh. Có khi anh đi vài ngày, có khi cả tháng mới về. Dù mệt mỏi sau mỗi chuyến đi xa, nhưng khi nhìn thấy các con chăm chỉ học hành, anh lại thấy những vất vả của mình thật xứng đáng.

Nguyễn Văn Sơn, người con trai thứ hai của anh chị, hiện là sinh viên năm cuối ngành công nghệ ô tô tại Huế, chia sẻ: “Thương ba mẹ vất vả, chúng em chỉ biết cố gắng học hành để thay đổi cuộc đời, sau này có thể đỡ đần gia đình.”

Bốn năm đại học của Sơn không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Những lúc muốn bỏ cuộc, hình ảnh người cha gầy gò, mái tóc xù xì vì nắng gió, đôi tay nhăn nheo vì hóa chất sơn tường lại tiếp thêm động lực cho anh. “Có lần ba đi làm về, tóc trắng xóa, da tróc vì sơn. Em sẽ không bao giờ quên hình ảnh đó, vì đó là biểu tượng của sự hy sinh,” Sơn xúc động kể.

Không chỉ Sơn, người anh cả đã tốt nghiệp ngành Nông Lâm ở Huế, còn cô em gái kế đang là sinh viên Đại học Y Dược Đà Nẵng.

Bé Tường Vi điều trị tại bệnh viện Trung ương Huế, đầu năm 2025. Ảnh gia đình cung cấp
Bé Tường Vi điều trị tại Huế năm 2025 (Ảnh gia đình). Ảnh: Internet

Mỗi khi có một người con đỗ đại học, niềm vui của anh chị lại xen lẫn nỗi lo về học phí. Anh Hậu và chị Nguyệt phải bán hết lúa trong nhà, vay mượn họ hàng để trang trải. Suốt những năm tháng đó, anh chị không quản khó nhọc, cuốc mướn, cày thuê, gồng gánh trả nợ.

Gia đình anh Hậu đi chùa đầu năm 2025. Ảnh gia đình cung cấp
Gia đình anh Hậu đi chùa đầu năm 2025 (Ảnh). Ảnh: Internet

Các con của anh chị cũng tranh thủ những ngày nghỉ để làm thêm, dạy học, phục vụ quán ăn, tự trang trải học phí, tiền thuê trọ và phụ giúp cha mẹ. Vào mùa hè, các em lại về quê giúp gia đình gặt hái, phơi thóc. Anh Hậu tự hào chia sẻ: “Giờ nhà tôi từ cấp một đến đại học, cấp nào cũng có ít nhất một đứa. 50% chỉ tiêu đại học đã đạt, còn 50% nữa.”

Anh luôn tin rằng, với sự chăm chỉ và quyết tâm, cả sáu người con của anh sẽ được học hành đến nơi đến chốn. Thế nhưng, đầu năm nay, một biến cố bất ngờ ập đến với gia đình anh.

Bé Tường Vi, con gái út của anh chị, đột nhiên sốt cao kéo dài, đau mỏi chân, chán ăn. Sau khi khám tại Bệnh viện tỉnh Quảng Trị và chuyển vào Huế, bác sĩ kết luận bé mắc bệnh ung thư máu dòng lympho.

Anh Hậu bàng hoàng kể lại: “Tôi sốc lắm nhưng giấu nhẹm, không dám nói cho vợ và các con biết. Sợ tụi nhỏ lo lắng rồi xao nhãng việc học.”

Một tuần sau khi biết tin, Sơn nhận ra bố mình tiều tụy hẳn, gầy rộc, mắt thâm quầng. “Chắc vì ba thức đêm nhiều và vì khóc,” Sơn nghẹn ngào nói. Anh quyết định xin bảo lưu kết quả học tập, ra ngoài làm thêm để phụ giúp cha mẹ.

Theo phác đồ điều trị, bé Tường Vi cần ít nhất ba năm để chữa trị, chi phí nằm viện, thuốc men và sinh hoạt rất lớn. Trong khi đó, anh Hậu phải nghỉ làm để túc trực cùng con tại bệnh viện. Gánh nặng kinh tế gia đình dồn lên vai chị Nguyệt và người con cả mới ra trường.

Dù vậy, anh Hậu chưa bao giờ nghĩ đến việc để các con phải dang dở con đường học vấn. Anh động viên con trai: “Con sắp tốt nghiệp rồi, đừng bỏ lỡ. Ba mẹ sẽ tìm cách.”

Nhờ sự giúp đỡ của bà con trong xóm, người thân và vay mượn, gia đình anh Hậu đã gom góp đủ tiền để bé Tường Vi nhập viện. Trong quá trình điều trị, bé cũng nhận được sự hỗ trợ từ Quỹ Thiện Tâm thông qua chương trình Mặt trời Hy vọng – Quỹ Hy vọng.

Hai tháng sau khi em nhập viện, Sơn quay trở lại trường học. “Nỗi lo vẫn còn, nhưng em càng quyết tâm hơn,” anh chia sẻ.

Không chỉ lo lắng cho bệnh tình của con út, vợ chồng anh Hậu còn trăn trở về hành trình học vấn của những đứa con khác trong gia đình. Trong ba năm điều trị của Tường Vi, anh Hậu lo sợ khó khăn kinh tế có thể một lần nữa cản trở con đường đến giảng đường của các con.

“Giờ tôi chỉ mong con đủ tiền điều trị, có sức khỏe để tiếp tục đi học, còn các anh chị nó cũng giữ được giấc mơ đại học mà cả nhà đã dày công vun đắp,” anh Hậu tâm sự, ánh mắt chứa đựng niềm hy vọng về tương lai tươi sáng của các con. Đến nay, ước mơ cho các con ăn học của anh đã và đang được thực hiện.

Admin


Nguồn: VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *