Thị trường chứng khoán Việt Nam hôm nay chứng kiến một phiên giao dịch đầy biến động, với áp lực chốt lời mạnh mẽ từ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn, đặc biệt là nhóm Vingroup, đã kéo VN-Index đảo chiều giảm điểm sau khi có thời điểm tiến sát mốc lịch sử.
Mở đầu phiên, VN-Index giao dịch tích cực, thậm chí có lúc chạm gần ngưỡng 1.512 điểm, chỉ cách đỉnh lịch sử khoảng 1%. Tuy nhiên, đà tăng không duy trì được lâu do áp lực bán tháo lan rộng. Chỉ số giằng co quanh mốc tham chiếu trong phần lớn thời gian giao dịch.
Biến động mạnh nhất diễn ra trước phiên ATC, khi các cổ phiếu thuộc “họ” Vingroup đồng loạt giảm sâu. Kết thúc phiên, VN-Index đóng cửa ở mức 1.485 điểm, giảm 12 điểm so với tham chiếu, trong khi VN30 mất gần 16 điểm.
Theo các chuyên gia, VN-Index đang lùi về vùng hỗ trợ 1.475-1.480 điểm. Yuanta Việt Nam khuyến nghị nhà đầu tư nên theo dõi sát vùng giá này, vì nếu thủng, áp lực điều chỉnh có thể gia tăng và kéo dài hết tuần.
Thống kê từ VNDirect cho thấy, nhóm Vingroup đã “lấy đi” gần 11 điểm của VN-Index. Sau tuần tăng mạnh trước đó, VIC có thời điểm chạm giá sàn trước khi kết phiên ở mức 112.000 đồng, giảm gần 6%. VHM giảm 4,2%, còn VRE và VPL lần lượt giảm 1,5% và 1,3%.
Bất động sản là ngành chịu áp lực bán mạnh nhất. LDG giảm hết biên độ, với lượng dư bán giá sàn lên tới 23 triệu cổ phiếu. KHG, DXS, SCR, HDG cùng giảm trên 4%. Các mã vốn hóa vừa như KDH, NVL, NLG giảm hơn 1,5%.
Nhóm chứng khoán cũng không tránh khỏi xu hướng giảm. Hầu hết các mã lớn như SSI, VND, HCM, VCI đều giảm hơn 1,5%. VIX là điểm sáng hiếm hoi khi tăng 2,4% lên 19.300 đồng.
Cổ phiếu dầu khí cũng bị bán mạnh. BSR giảm trên 2%, PVT, PVD, GAS đồng loạt giảm khoảng 1-1,4%. Nhóm cảng biển và xây dựng cũng giảm điểm, nhưng biên độ không lớn.
Nhóm ngân hàng phân hóa mạnh. TCB giảm 2,2% xuống 35.450 đồng, gây áp lực lên chỉ số. STB, VCB, MBB và BID giảm 0,7-1,4%. Ngược lại, VPB tăng 4,4% lên 22.300 đồng, đóng vai trò trụ đỡ quan trọng. SHB và LPB cũng tăng hơn 2,5%. Một số mã lớn khác như VIB, ACB, HDB, CTG tăng nhẹ từ 0,3-1,5%.
HVN của Vietnam Airlines tăng hết biên độ lên 31.600 đồng, là một trong số ít cổ phiếu kịch trần trên sàn TP HCM. Mã này đóng cửa trong tình trạng không có bên bán, còn dư mua hơn 3,1 triệu cổ phiếu.
Thanh khoản thị trường vẫn duy trì ở mức cao, với hơn 1,47 tỷ cổ phiếu được giao dịch, trị giá hơn 35.400 tỷ đồng. Có 5 mã đạt thanh khoản nghìn tỷ là SSI, VPB, HPG, SHB và VIX.
Sau hai phiên bán ròng liên tiếp, nhà đầu tư nước ngoài đã quay lại mua ròng, với giá trị mua vào hơn 4.200 tỷ đồng và bán ra khoảng 4.050 tỷ đồng. VPB được nhà đầu tư ngoại mua ròng mạnh nhất, với hơn 10 triệu cổ phiếu, tiếp theo là SHB, NVL, HDB và DXG.
Trong báo cáo chiến lược đầu tuần, Mirae Asset Việt Nam nhận định các nhịp điều chỉnh kỹ thuật là yếu tố cần theo dõi, vì chúng tạo ra hạn chế cho đà tăng ngắn hạn nhưng mở ra cơ hội nắm giữ dài hạn với chiết khấu tốt hơn. Mirae Asset kỳ vọng VN-Index sẽ hình thành vùng hỗ trợ ngắn hạn tại 1.470-1.475 điểm, và nhóm chứng khoán, ngân hàng, bán lẻ sẽ là tâm điểm cho đà tăng sau đó.
Admin
Nguồn: VnExpress