Đà Nẵng phạt công ty dược vì tiêu hủy thuốc sai quy định

Một doanh nghiệp đã bị xử phạt hành chính với tổng số tiền 97 triệu đồng do vi phạm các quy định về quản lý chất thải và thực hiện không đúng nội dung báo cáo đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được phê duyệt.

Cụ thể, doanh nghiệp này bị phạt 7 triệu đồng vì hành vi chuyển giao chất thải không đúng quy định. Sự việc được phát hiện vào ngày 10/6, khi cơ quan chức năng nhận được tin báo về việc phát hiện 11 túi nylon chứa 98,4 kg thuốc “Cetecoenzetilax Cinnarizin 25mg” cùng các vỉ thuốc hư hỏng bị vứt bỏ tại một bãi rác tự phát trên đường Xuân Thiều 21, quận Liên Chiểu. Số thuốc này thuộc lô sản xuất năm 2023, hạn dùng 2026 và từng bị Cục Quản lý Dược yêu cầu thu hồi gần 190.000 viên do không đạt tiêu chuẩn về hàm lượng.

Theo quy định, việc tiêu hủy thuốc phải được thực hiện thông qua hợp đồng với đơn vị chuyên trách và có sự giám sát của công ty. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã lập hồ sơ tiêu hủy và cam kết giao cho đơn vị có chức năng xử lý, nhưng thực tế lại chuyển giao cho ông Nguyễn Ngọc Nhân, một người thu mua phế liệu, để tự tiêu hủy.

Trong bản giải trình, ông Nhân cho biết do chi phí tiêu hủy tại bãi rác Khánh Sơn quá cao (700.000 đồng/xe), ông đã mang toàn bộ số thuốc này vứt bỏ tại khu đất trống trên vỉa hè đường Xuân Thiều 21.

Ngoài việc bị phạt tiền, doanh nghiệp còn phải chịu trách nhiệm khôi phục hiện trạng môi trường, toàn bộ chi phí do doanh nghiệp tự chi trả. Doanh nghiệp cũng đã tiến hành triệu tập Hội đồng tiêu hủy và các bộ phận liên quan để kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của các cá nhân và tập thể liên quan đến vụ việc.

Số thuốc giảm say tàu xe, rối loạn tiền đình của Công ty CP Dược Trung ương 3 bị ném ra vỉa hè nơi bãi rác tự phát, ngày 10/6. Ảnh: Ngọc Trường
Dược Trung ương 3: Thuốc say tàu xe bị vứt bỏ ra bãi rác!. Ảnh: Internet

Thuốc Cetecoenzetilax Cinnarizin 25mg thuộc nhóm kháng histamin, thường được sử dụng để giảm các triệu chứng say tàu xe, rối loạn tiền đình như chóng mặt, ù tai, buồn nôn. Để tránh các tác dụng phụ không mong muốn, người bệnh cần tuân thủ chặt chẽ hướng dẫn của bác sĩ hoặc dược sĩ chuyên môn khi sử dụng loại thuốc này.

Theo Thông tư 11/2018 của Bộ Y tế, người đứng đầu cơ sở có thuốc cần tiêu hủy phải thành lập Hội đồng hủy thuốc gồm ít nhất ba người, trong đó phải có một người phụ trách chuyên môn. Quá trình tiêu hủy thuốc phải đảm bảo an toàn cho con người, động vật và môi trường. Sau khi hoàn thành việc tiêu hủy, cơ sở phải lập biên bản và gửi báo cáo cho Sở Y tế theo mẫu quy định. Toàn bộ quá trình xử lý thuốc bị thu hồi phải được hoàn thành trong thời hạn không quá 12 tháng kể từ ngày thuốc bị thu hồi.

Admin


Nguồn: VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *