Sau cuộc điện đàm với các nhà đàm phán thương mại châu Âu vào ngày 20/7, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick bày tỏ lạc quan về khả năng đạt được thỏa thuận. Ông nhấn mạnh rằng “vẫn còn nhiều cơ hội” để hai bên tìm được tiếng nói chung.
Trong một cuộc phỏng vấn trên chương trình “Face the Nation” của CBS, ông Lutnick khẳng định: “Hai đối tác thương mại lớn nhất thế giới đang đàm phán với nhau. Chúng tôi sẽ có thỏa thuận. Tôi tự tin là như vậy”.

Trước đó, ngày 12/7, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gửi thư cho Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen, thông báo về việc áp thuế 30% đối với hàng nhập khẩu từ Liên minh châu Âu (EU) kể từ ngày 1/8. Hiện tại, EU đang phải chịu các mức thuế khác nhau khi xuất khẩu sang Mỹ, bao gồm thuế phổ quát 10%, thuế ô tô 25%, và thuế thép và nhôm 50%.
Ngoài ra, ông Trump gần đây còn công bố mức thuế 50% đối với đồng và đe dọa áp thuế mới lên dược phẩm và chất bán dẫn từ tháng tới. Theo ước tính của EU, các loại thuế hiện tại của Mỹ đã bao phủ khoảng 380 tỷ euro (tương đương 442 tỷ USD), chiếm 70% kim ngạch xuất khẩu của khối này sang Mỹ.
Mỹ và EU là hai đối tác thương mại và đầu tư song phương lớn nhất thế giới, đóng góp gần 30% vào thương mại hàng hóa và dịch vụ toàn cầu, và chiếm 43% GDP toàn cầu. Chỉ riêng năm ngoái, giao dịch xuyên Đại Tây Dương đã đạt 1.960 tỷ USD. Tổng thống Trump đã nhiều lần chỉ trích EU vì mối quan hệ mà ông cho là không công bằng do thâm hụt thương mại hàng hóa, mặc dù Mỹ thặng dư dịch vụ với khối này.
Trong kịch bản cơ sở được Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đưa ra hồi tháng 6, họ từng tin rằng đang ở “vị thế thuận lợi”, giả định mức thuế của Mỹ chỉ là 10% và kịch bản xấu nhất cũng chỉ 20%. Tuy nhiên, theo ngân hàng đầu tư ING (Hà Lan), việc tăng lên 30% sẽ giáng đòn mạnh hơn tới nền kinh tế eurozone.
Carsten Brzeski, Trưởng bộ phận phân tích kinh tế vĩ mô toàn cầu của ING, nhận định: “Đà tăng của euro và những đe dọa thuế quan mới đang làm tăng nguy cơ giảm phát ở eurozone, khiến lạm phát có thể thấp hơn mục tiêu, đồng thời đẩy khả năng ECB phải cắt giảm thêm lãi suất trong thời gian tới”.

Thứ trưởng Bộ Phát triển Kinh tế và Công nghệ Ba Lan, ông Michal Baranowski, cho rằng EU đại diện cho “mối quan hệ kinh tế quan trọng nhất” đối với Mỹ, đồng thời lưu ý rằng Washington “được hoặc mất từ mối quan hệ này cũng nhiều như châu Âu”. Trong bối cảnh hai nền kinh tế đang đàm phán một thỏa thuận, ông Michal Baranowski cho biết khối này đang thực hiện chiến lược 4 phần.
Trước hết, EU sẽ đàm phán thiện chí với các quan chức Mỹ, đặc biệt là về việc thương lượng lại mức thuế ô tô. Theo Financial Times, đoàn đàm phán của EC đang muốn Mỹ giảm thuế ô tô xuống 10% đối với xe hơi Mỹ nhập khẩu nếu chính quyền Trump hạ từ 25% hiện tại xuống dưới 20%.
Thứ hai, EU chuẩn bị các biện pháp đối phó trong trường hợp đàm phán không thành công. Ông Baranowski cho biết: “Chúng tôi đã có các biện pháp đối phó với cả thuế thép và nhôm cũng như gói đáp trả ban đầu trị giá 72 tỷ euro cho thuế đối ứng”. Gói này chủ yếu nhắm vào hàng hóa công nghiệp như máy bay Boeing, ô tô và rượu bourbon.
Châu Âu cũng đã phê duyệt biện pháp đáp trả với thuế kim loại của ông Trump, với quy mô 21 tỷ euro, nhắm vào các bang nhạy cảm về chính trị của Mỹ như đậu nành từ Louisiana, các sản phẩm nông nghiệp khác, gia cầm và xe máy.
Thứ ba, EU tiếp tục theo dõi tiến độ đàm phán thuế quan của các nước khác với Mỹ. Ông Baranowski nói: “Không nhất thiết để phối hợp mà nắm bắt tình hình quốc gia khác cũng đang chùng chiến tuyến”.
Cuối cùng, châu Âu đang tìm cách gia tăng năng lực cạnh tranh toàn diện, không chỉ về kinh tế. Tuần trước, bà Ursula von der Leyen đã đệ trình gói ngân sách trị giá 2.000 tỷ euro, được xem là “tham vọng nhất từ trước đến nay”.
Bà cho biết: “Ngân sách này mang tính chiến lược hơn, linh hoạt hơn, minh bạch hơn. Chúng ta đang đầu tư nhiều hơn vào năng lực phản ứng của mình và vào tính tự chủ”. Chủ tịch EC cho biết những trải nghiệm qua hàng loạt cuộc khủng hoảng gần đây là nguồn cảm hứng cho bản kế hoạch ngân sách này.
Tuy nhiên, gói ngân sách này cần được tất cả 27 nước thành viên chấp thuận, và dự kiến sẽ trải qua quá trình bàn bạc căng thẳng. Bộ trưởng Đan Mạch Marie Bjerre nhận xét: “Không quốc gia nào sẵn sàng chấp nhận ngân sách như hiện nay”. Với vai trò Chủ tịch luân phiên của Hội đồng EU, Đan Mạch sẽ dẫn dắt các cuộc họp về gói ngân sách mới đến hết năm nay. Bà nói thêm: “Chúng ta sẽ còn thảo luận lâu dài, rõ ràng có những quan điểm khác nhau về cách cấu trúc ngân sách, và đây cũng sẽ là quá trình không dễ dàng. Nhưng châu Âu cần một ngân sách”.
Admin
Nguồn: VnExpress