Lợi ích tuyệt vời của việc ăn trái cây trước bữa ăn

Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Thị Phương từ Khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội cho biết rằng, việc ăn trái cây trước bữa ăn có thể mang lại một số lợi ích đáng kể cho sức khỏe. Trái cây, với hàm lượng nước và chất xơ dồi dào, giúp tạo cảm giác no, từ đó góp phần làm giảm lượng calo tiêu thụ trong bữa ăn chính.

Ăn một phần trái cây trước bữa 30-60 phút giúp no sớm, hỗ trợ kiểm soát cân nặng. Ảnh: Anh Chi
Ăn trái cây trước bữa ăn 30 phút giúp giảm cân hiệu quả. Ảnh: Internet

Đặc biệt, việc tiêu thụ trái cây giàu chất xơ trước hoặc vào đầu bữa ăn rất có lợi trong việc kiểm soát đường huyết, nhất là khi bữa ăn chứa nhiều tinh bột nhanh như cơm trắng hoặc bánh mì. Chất xơ có tác dụng làm chậm quá trình hấp thu đường đơn từ các loại thực phẩm khác, ngăn ngừa tình trạng đường huyết tăng đột ngột. Điều này đặc biệt quan trọng đối với những người mắc bệnh đái tháo đường, tiền đái tháo đường, hoặc những ai mong muốn duy trì mức năng lượng ổn định.

Ngoài ra, thói quen này còn giúp bổ sung năng lượng và kích thích hệ tiêu hóa. Các loại trái cây ngọt chứa đường tự nhiên dễ hấp thu, cung cấp năng lượng cần thiết cho cơ thể để tiêu hóa các món ăn tiếp theo. Một số loại trái cây như đu đủ, dứa, táo xanh, kiwi còn chứa các enzyme tiêu hóa như papain và bromelain, hỗ trợ phân giải protein trong bữa ăn chính, từ đó giảm thiểu tình trạng đầy hơi và khó tiêu. Hơn nữa, việc ăn trái cây trước bữa ăn còn giúp thỏa mãn cơn thèm ngọt, hạn chế nhu cầu ăn đồ tráng miệng sau đó.

Tuy nhiên, bác sĩ Phương cũng lưu ý rằng, những người có tiền sử bệnh lý dạ dày – thực quản, dạ dày nhạy cảm hoặc đang bị viêm, loét dạ dày nên hạn chế ăn trái cây trước bữa ăn, đặc biệt là khi bụng đói. Cần tránh các loại trái cây có hàm lượng axit cao như cam, chanh, quýt, bưởi, dứa, vì chúng có thể kích thích niêm mạc dạ dày khi không có thức ăn khác làm “đệm”, làm tăng nguy cơ rối loạn tiêu hóa, gây cồn cào, xót ruột, trào ngược hoặc đau bụng âm ỉ.

Đối với những người mắc hội chứng ruột kích thích (IBS) hoặc rối loạn tiêu hóa, việc tiêu thụ lượng fructose cao trong trái cây khi dạ dày rỗng có thể không được dung nạp tốt. Khi fructose không được hấp thụ hoàn toàn, nó sẽ di chuyển xuống ruột già, nơi vi khuẩn phân hủy và tạo ra khí, chất gây kích ứng, dẫn đến các triệu chứng tiêu hóa như đầy hơi, chướng bụng, đau bụng, tiêu chảy.

Bên cạnh đó, việc ăn các loại trái cây chứa nhiều đường trước bữa ăn như nho, xoài, mít có thể làm tăng đường huyết nhanh chóng. Do đó, người bệnh đái tháo đường nên hạn chế các loại trái cây có chỉ số đường huyết cao và ít chất xơ để tránh tình trạng tăng đường huyết đột ngột. Bác sĩ khuyến cáo người trưởng thành nên điều chỉnh lượng trái cây vừa phải (khoảng 100g) trước bữa ăn để đảm bảo cân bằng dinh dưỡng.

Admin


Nguồn: VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *