Chuyến du lịch Vĩnh Hy (Khánh Hòa) của một người bạn đã kết thúc bằng một trải nghiệm không mấy dễ chịu: kẹt xe kéo dài trên cao tốc TP HCM – Dầu Giây. Dù xe khởi hành từ trưa chủ nhật, nhưng mãi gần nửa đêm bạn tôi mới về đến TP HCM, do tình trạng ùn tắc kéo dài, bắt đầu từ đoạn đường đang sửa chữa gần Dầu Giây.
Thực tế, kẹt xe trên tuyến cao tốc TP HCM – Dầu Giây, đặc biệt vào những ngày cuối tuần, không phải là chuyện hiếm gặp. Sau gần một thập kỷ hoạt động, tuyến đường huyết mạch dài 55 km này đang phải gánh trên vai quá nhiều trọng trách, từ phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, du lịch, đến vận chuyển hàng hóa và kết nối đến cửa ngõ sân bay Long Thành trong tương lai.
Được đưa vào khai thác từ năm 2015, cao tốc TP HCM – Dầu Giây có 4 làn xe và hai làn dừng khẩn cấp, với tốc độ thiết kế 100 km/h. Tuy nhiên, vai trò của tuyến đường này không chỉ giới hạn trong việc kết nối TP HCM và Đồng Nai. Nó còn là trục giao thông chính dẫn đến các điểm du lịch nổi tiếng như Vũng Tàu, Phan Thiết, Nha Trang và Đà Lạt thông qua quốc lộ 20, cũng như kết nối với cao tốc Dầu Giây – Liên Khương trong tương lai.
Khi sân bay Long Thành đi vào hoạt động, cao tốc TP HCM – Dầu Giây sẽ trở thành tuyến đường trọng yếu để di chuyển từ TP HCM đến sân bay quốc tế lớn nhất cả nước. Với lưu lượng phương tiện tăng liên tục, tình trạng ùn tắc giao thông vào các dịp lễ, cuối tuần, hay thậm chí ngày thường đã trở nên phổ biến.
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2024 đã có 23,2 triệu lượt xe lưu thông trên tuyến đường này, minh chứng rõ ràng cho áp lực quá tải mà nó đang phải gánh chịu. Điều này cho thấy một thực tế đáng lo ngại: hạ tầng giao thông hiện tại dường như chưa đáp ứng kịp tốc độ phát triển đô thị và nhu cầu đi lại ngày càng tăng cao.
Tình trạng này không phải là một bất ngờ. Trong tương lai, tuyến cao tốc TP HCM – Dầu Giây sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực hơn nữa. Việc Bà Rịa – Vũng Tàu sáp nhập vào vùng đô thị TP HCM sẽ kéo theo sự gia tăng đáng kể về nhu cầu di chuyển nội vùng. Các chuyến du lịch cuối tuần đến các điểm đến ven biển, nghỉ dưỡng tại Phan Thiết, Đà Lạt, Nha Trang… đều tập trung lưu lượng xe qua tuyến đường này.
Do đó, cao tốc TP HCM – Dầu Giây đang phải “gồng mình” thực hiện quá nhiều nhiệm vụ cùng một lúc: vừa là trục giao thông chính phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, vừa đóng vai trò liên kết kinh tế vùng, lại vừa là tuyến đường dẫn đến sân bay quốc tế trong tương lai.
Giải pháp mang tính cấp thiết là cần nâng cấp và mở rộng tuyến đường này một cách khẩn trương. Đồng thời, cần có quy hoạch và triển khai đồng bộ hệ thống đường vành đai, quốc lộ song hành… và những dự án này cần được nghiên cứu, triển khai ngay từ bây giờ. Bởi lẽ, quy hoạch giao thông không thể chạy theo sự phát triển, mà phải đi trước và dẫn dắt sự phát triển.
Admin
Nguồn: VnExpress