Giám đốc ‘tập đoàn đòi nợ’ phủ nhận việc nhân viên đòi nợ kiểu giang hồ

Ngày 22/7, TAND Hà Nội tiếp tục ngày làm việc thứ hai trong phiên tòa xét xử 45 bị cáo liên quan đến vụ án “Cưỡng đoạt tài sản”, thuộc “hệ sinh thái” 7 công ty đòi nợ do Lê Quốc Thống, 47 tuổi, cầm đầu. Thống hiện đang trốn lệnh truy nã.

Giám đốc tập đoàn đòi nợ khẳng định không biết nhân viên hành xử giang hồ - 1
Trần Hồng Tiến chối trách nhiệm việc nhân viên ‘đòi nợ thuê’ kiểu giang hồ. Ảnh: Internet

Theo cáo trạng của VKS, năm 2018, Thống đã mua lại 238.160 khoản nợ xấu tín chấp cá nhân từ một doanh nghiệp với giá chỉ từ 12-15% giá trị thực tế của các khoản nợ, tương đương tổng giá trị 3.500 tỷ đồng. Sau đó, Thống thành lập 7 công ty và tuyển dụng nhân viên để thực hiện việc đòi nợ.

Mỗi nhân viên được giao chỉ tiêu hàng tháng là phải đòi nợ từ 400-500 khách hàng. Tổng cộng 103 nhân viên, chủ yếu ở độ tuổi 20-30, được chia thành 11 nhóm, mỗi nhóm có chỉ tiêu KPI riêng về số tiền phải thu. Nhân viên nào không đạt chỉ tiêu trong hai tháng liên tiếp sẽ bị sa thải. Các trưởng nhóm có trách nhiệm đốc thúc nhân viên tích cực đòi nợ để đạt doanh số và nhận thưởng phần trăm hoa hồng. Công ty còn trang bị hệ thống tổng đài tự động để gọi điện cho khách hàng và phần mềm thay đổi giọng nói qua điện thoại, cho phép nhân viên nam giả giọng nữ và ngược lại.

VKS cáo buộc các đối tượng đã sử dụng nhiều thủ đoạn để đòi nợ như dùng sim “rác” gọi điện, nhắn tin liên tục để chửi bới, đe dọa giết con cái, người thân, đồng nghiệp của người vay nhằm gây áp lực. Nghiêm trọng hơn, các bị cáo còn cắt ghép hình ảnh của người vay hoặc người thân của họ vào các hình ảnh đồi trụy, thông tin sai lệch như “chửa hoang”, “mại dâm”, “loạn luân”, “nghiện ma túy”, “cặp bồ” rồi đăng tải, bình luận trên mạng xã hội để bôi nhọ danh dự.

VKS xác định “tập đoàn” của Thống đã thu được 571 tỷ đồng bằng các phương thức này. Tuy nhiên, đến nay cơ quan chức năng mới xác định được 26 người bị đe dọa, cưỡng đoạt tổng cộng 904 triệu đồng.

Ngoài Lê Quốc Thống đang bỏ trốn, các lãnh đạo “tập đoàn” và các trưởng nhóm đòi nợ đều bị đưa ra xét xử. Trần Hồng Tiến, 51 tuổi, giám đốc điều hành toàn hệ thống và là bạn làm ăn lâu năm của Thống, được xem là “cánh tay” đắc lực của ông trùm.

Theo cáo trạng, Tiến và Thống đã cùng nhau thành lập các công ty để mua lại nợ xấu và tổ chức hoạt động đòi nợ từ năm 2017.

Tại tòa, Tiến khai rằng các công ty đăng ký nhiều địa chỉ khác nhau do nhiều giám đốc đứng tên, nhưng thực tế nhân viên đều làm việc chung một địa điểm và chịu sự điều hành của Thống và Tiến. Thống tổ chức họp hàng tháng với các lãnh đạo và trưởng nhóm để tổng kết hoạt động. Ngay cả sau khi Thống xuất cảnh, ông ta vẫn duy trì các cuộc họp trực tuyến vào thứ ba hàng tuần với Tiến để nghe báo cáo và chỉ đạo.

Các nhân viên đòi nợ khi bị bắt, đầu năm 2023, đều trong độ tuổi 20-30. Ảnh: Cơ quan điều tra
Ảnh: Chân dung các nhân viên ‘đòi nợ thuê’ bị bắt năm 2023. Ảnh: Internet

VKS cáo buộc Tiến biết rõ việc nhân viên sử dụng các biện pháp đe dọa, chửi bới, cắt ghép hình ảnh khách nợ rồi đăng lên mạng xã hội để gây áp lực, nhưng vẫn tiếp tục đốc thúc. Tiến nhận mức lương 40 triệu đồng mỗi tháng.

Khi được hỏi tại sao không can thiệp khi nhân viên đòi nợ theo kiểu “giang hồ”, Tiến trả lời rằng đó không phải là lĩnh vực anh ta phụ trách. Bị cáo này khẳng định không biết và không chứng kiến việc cấp dưới cắt ghép ảnh đồi trụy, đe dọa, khủng bố tinh thần người vay trên Facebook.

Tiến khai rằng chỉ thi thoảng nghe thấy “ồn ào” và được Thống giải thích rằng nhân viên chỉ “trao đổi tí thôi”, và rằng “đòi nợ thì phải to tiếng, không có vấn đề gì hết”.

Tương tự, Nguyễn Đức Khoa, 34 tuổi, cấp phó của Thống kiêm tổng giám đốc 3 công ty trong hệ sinh thái đòi nợ, cũng khai rằng chỉ đến khi bị bắt mới biết cấp dưới đòi nợ kiểu “giang hồ” như cáo trạng nêu.

Khoa khai rằng các cuộc họp với các trưởng nhóm chỉ tập trung vào KPI, số nợ đã thu, và việc tuyển dụng nhân sự để đảm bảo chỉ tiêu do Thống đề ra. Khoa được duyệt chi 50-60 triệu đồng mỗi tháng để mua thông tin cá nhân của khách hàng, bao gồm Facebook, Zalo, số điện thoại phụ, nơi làm việc, thông tin người thân…

Về các biện pháp thúc ép nhân viên đòi nợ, các trưởng nhóm khai rằng họ “tự học hỏi lẫn nhau” và chỉ nhắc nhở, điểm danh, cập nhật số nợ đã thu được của nhân viên.

Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Danh Lam
Ảnh: Các bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ án đòi nợ. Ảnh: Internet

Các nhân viên đòi nợ khai rằng họ được tuyển dụng thông qua giới thiệu hoặc được bộ phận nhân sự trực tiếp gọi điện mời chào, với mức lương khởi điểm khoảng 5 triệu đồng mỗi tháng. Một số người khai rằng khi đòi được khoản nợ 100 triệu đồng, họ được thưởng thêm 5 triệu đồng. Chính sách chung của công ty là “2 tháng không đạt KPI thì bị đuổi”.

26 bị hại trong vụ án không có mặt tại tòa, nhưng đều có chung quan điểm không yêu cầu bồi thường và đề nghị tòa xử lý nghiêm minh.

Đối với những trường hợp còn lại, cơ quan chức năng đã ủy thác cho công an các tỉnh thành tiếp tục thu thập thông tin và tách hồ sơ để xử lý.

Phiên tòa dự kiến kéo dài trong 7 ngày.

Admin


Nguồn: VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *