Thế hệ trẻ: Nỗi sợ thừa kế tài sản?

Lớn lên ở tỉnh Chiết Giang, chàng trai trẻ Zhan trải qua tuổi thơ thiếu vắng người cha, do ông thường xuyên bận rộn với công việc kinh doanh. Ký ức về những bữa cơm gia đình ấm cúng hay những kỳ nghỉ trọn vẹn bên cha là điều xa xỉ đối với anh.

Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, Zhan đã phải đối mặt với áp lực nối nghiệp, gánh trên vai kỳ vọng của gia đình. Tuy nhiên, bước ngoặt đến vào mùa hè năm thứ hai đại học, khi anh nhận ra mình cần sống theo tiếng gọi của trái tim. Sau khi tốt nghiệp, anh quyết định thi công chức và làm việc ở một thành phố khác, hoàn toàn rẽ sang một hướng đi khác biệt so với con đường kinh doanh gia đình.

Theo Zhan, lựa chọn làm việc trong môi trường nhà nước không chỉ mang lại sự ổn định mà còn giúp anh thoát khỏi lối mòn đã được định sẵn, để thực sự sống cuộc đời mình mong muốn.

Ảnh minh họa: Pixaby
Ảnh minh họa đẹp: Nguồn Pixaby chất lượng cao. Ảnh: Internet

Anh chia sẻ: “Bố tôi từng kỳ vọng tôi sẽ kế thừa sự nghiệp, tận dụng các mối quan hệ và nguồn lực sẵn có để phát triển công ty gia đình. Nhưng tôi không hề có nhu cầu đối với những tài sản đó.”

Những người như Zhan ngày càng xuất hiện nhiều hơn trong các gia đình chủ doanh nghiệp. Họ được gọi là “chang’erdai” – thế hệ thứ hai sinh ra và lớn lên trong sự thịnh vượng do cha mẹ tạo dựng.

Phó giáo sư Ji Yingying tại Đại học Thượng Hải đã thực hiện một nghiên cứu chuyên sâu về các “chang’erdai”. Kết quả cho thấy phần lớn họ duy trì mối quan hệ gia đình tương đối ổn định, không hề ác cảm với công việc kinh doanh, nhưng cũng không coi việc kế thừa là một nghĩa vụ bắt buộc. Chuyên gia này nhận định: “Trong những gia đình này, sức khỏe và hạnh phúc cá nhân được ưu tiên hơn việc tiếp tục sự nghiệp của cha mẹ.”

Từ giữa những năm 2010, khi thế hệ doanh nhân tư nhân đầu tiên ở Trung Quốc bắt đầu bước vào giai đoạn chuyển giao, câu hỏi về việc có nên tiếp quản doanh nghiệp gia đình hay không đã trở thành một trong những yếu tố then chốt ảnh hưởng đến tương lai của khu vực kinh tế tư nhân, khu vực đóng góp tới 96,4% tổng số doanh nghiệp trên cả nước tính đến năm ngoái.

Tại Chiết Giang, nơi có tới 2,5 triệu doanh nghiệp nhỏ vào năm 2020, phần lớn trong số đó thuộc sở hữu tư nhân, thế hệ tiếp theo chỉ còn khoảng một thập kỷ để đưa ra quyết định về việc kế thừa. Một khảo sát được thực hiện vào năm ngoái cho thấy chỉ có khoảng 40% thế hệ thứ hai trên toàn quốc sẵn sàng tiếp quản doanh nghiệp gia đình, cho thấy một sự thay đổi đáng kể trong quan niệm về thừa kế.

Theo quan niệm truyền thống ở Trung Quốc, Zhan được xem là người thừa kế “chính thống” vì anh là con trai cả trong gia đình. Tuy nhiên, anh lại không tự nhận mình là con cả, vì anh còn có một người chị gái, người từng được gửi đi nuôi nhờ đến năm ba tuổi. Anh cho rằng chính quan niệm trọng nam khinh nữ đã khiến gánh nặng kế nghiệp vô tình đổ lên vai anh.

Quyết định từ bỏ cơ nghiệp gia đình, Zhan cho biết làm việc trong cơ quan nhà nước giúp anh giảm bớt áp lực phải chứng minh năng lực bản thân, điều mà nhiều “chang’erdai” phải đối mặt. Nhịp độ công việc ổn định cũng giúp anh tránh xa lối sống bận rộn, thiếu thời gian dành cho gia đình như cha anh trước đây.

Zhan chia sẻ: “Tôi cảm thấy tự tin hơn rất nhiều. Tôi có thể là một người lao động bình thường nhưng vẫn đáng tự hào.”

Anh cũng cảm thấy hài lòng với sự minh bạch tại nơi làm việc, đặc biệt là trong lĩnh vực tuân thủ, nơi các quy tắc được ưu tiên hơn các mối quan hệ cá nhân. Đối với Zhan, đó là một bức tường thành vững chắc giúp anh tránh khỏi những tác động cảm xúc từ cha mẹ.

Trong khi đó, Shan lớn lên trong một gia đình giàu có sở hữu một doanh nghiệp vật liệu xây dựng. Chị gái của cô không mấy hứng thú với kinh doanh và hiện đang là một người nội trợ toàn thời gian. Em trai cô theo đuổi đam mê võ thuật và mơ ước trở thành một vận động viên chuyên nghiệp.

Shan hiện đang làm quản lý kiêm thiết kế tại một công ty nhỏ. Cô cho biết cha mẹ chưa bao giờ ép buộc hay kỳ vọng bất kỳ ai trong ba chị em phải tiếp quản cơ nghiệp gia đình. Với cô, việc điều hành một doanh nghiệp cũng chỉ là một lựa chọn nghề nghiệp bình thường như bao công việc khác.

Cô nói: “Bạn làm việc, rồi nghỉ hưu, mọi thứ diễn ra bình thường như bao người khác. Cuộc sống không chỉ xoay quanh tiền bạc.”

Phó giáo sư Ji Yingying cho biết, các nghiên cứu quốc tế cho thấy thế hệ Gen Z ngày càng có ý thức cá nhân rõ nét và khao khát sự hài lòng trong đời sống tinh thần. Để đạt được điều đó, họ sẵn sàng từ bỏ quyền thừa kế.

Mặt khác, nhiều “chang’erdai” không đồng tình với cách mà cha mẹ họ định hình vai trò kế thừa. Một số người không coi cha mẹ là chỗ dựa mà muốn tự mình tạo dựng con đường riêng. Nhiều người chỉ nhớ về những người cha, người mẹ luôn bận rộn với công việc, và cho rằng chính doanh nghiệp gia đình đã cướp đi sự quan tâm và tình cảm mà họ xứng đáng được nhận.

Điều này đặt ra một câu hỏi: Liệu sự kế thừa thực sự bắt đầu từ việc chuyển giao tài sản hay từ những mối quan hệ cảm xúc được vun đắp theo thời gian? Theo ghi nhận từ các nghiên cứu, nếu thế hệ cha mẹ bớt đặt nặng kỳ vọng về việc kế thừa và chú trọng hơn vào việc kết nối cảm xúc với con cái, thì doanh nghiệp gia đình vẫn có thể được duy trì, dù là dưới một hình thức khác.

Admin


Nguồn: VnExpress

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *