Trong một ngày tháng Tư, Lê Sang nhận được cuộc gọi từ một nữ bác sĩ ở Hà Nội. Chị chia sẻ về những vết sẹo lồi và đốm nâu hình thành trên chân sau một tai nạn bỏng nước sôi. Sự tự ti khiến chị ngại mặc váy và tránh đến những nơi đông người. Với mong muốn che đi khuyết điểm, chị tìm đến Lê Sang để “vẽ” một bức tranh thể hiện sự tự do và khát vọng thoát khỏi mặc cảm.
Sau khi lắng nghe câu chuyện và hiểu rõ mong muốn của khách hàng, Lê Sang đã đề xuất hình xăm một cô gái dang rộng vòng tay đón gió, mái tóc tung bay. Nữ bác sĩ rất thích ý tưởng này và hẹn anh hai ngày sau đến thực hiện. Sau sáu giờ làm việc tỉ mỉ, tác phẩm hoàn thành, mang lại sự hài lòng cho cả khách hàng và người nghệ sĩ.

Đến nay, Lê Sang đã có 10 năm gắn bó với nghề xăm. Khác với nhiều nghệ nhân chọn những làn da mới để sáng tạo, anh theo đuổi một con đường đầy thử thách: sửa chữa những hình xăm cũ, hỏng hoặc biến những vết sẹo xù xì thành những tác phẩm nghệ thuật độc đáo.

“Tôi gọi xăm mình là ‘Nghệ thuật tái sinh’, một liệu pháp chữa lành những tổn thương tinh thần do những khuyết điểm trên cơ thể gây ra,” anh chia sẻ. “Trong quá trình sửa hoặc xăm che sẹo, sự thấu cảm là sợi dây kết nối đặc biệt giữa tôi và khách hàng. Họ mở lòng chia sẻ những nỗi đau sâu kín, từ đó giúp tôi hiểu rõ hơn về họ và biết mình cần làm gì để tạo ra một tác phẩm có thể xoa dịu những vết thương lòng.”
Cũng như nhiều thợ xăm khác, con đường khởi nghiệp của Lê Sang gặp không ít khó khăn, hoài nghi và định kiến, thậm chí có lúc anh đã muốn từ bỏ. “Những ngày đầu, tôi như tự mình dò dẫm trong bóng tối,” anh tâm sự. Năm 2014, ngành xăm ở Việt Nam còn nhiều hạn chế, thiếu những trường lớp chính quy và hệ thống đào tạo bài bản.

“Phần lớn các thợ xăm hoạt động một cách âm thầm, khép kín, ít chia sẻ kinh nghiệm hay kỹ thuật trên mạng xã hội. Việc tiếp cận các nguồn tài liệu quốc tế cũng gặp nhiều khó khăn do rào cản ngôn ngữ và thiếu tài liệu chuyên ngành,” Lê Sang nhớ lại.
Bên cạnh đó, ngành xăm còn phải đối mặt với những định kiến và cái nhìn tiêu cực từ xã hội. Gia đình Lê Sang thường tránh né khi ai đó hỏi về công việc của anh, thậm chí có phần xấu hổ và che giấu. Thay vì tranh cãi hay than phiền, anh chọn cách im lặng, tập trung vào công việc và từng bước chứng minh bản thân qua từng tác phẩm.
Nhờ sự kiên trì và tinh thần tự học hỏi, Lê Sang đã vượt qua những giới hạn của bản thân, sáng tạo ra nhiều tác phẩm độc đáo, mới lạ và ít bị ảnh hưởng bởi phong cách của những nghệ sĩ khác. Để lan tỏa “Nghệ thuật tái sinh”, anh cần có những người đồng hành. Việc thành lập thương hiệu Era Tattoo vào năm 2014 không chỉ là một bước tiến trong sự nghiệp cá nhân mà còn là cách anh xây dựng một hệ sinh thái nghề vững chắc.
Lê Sang chia sẻ rằng anh luôn chú trọng đến chuyên môn, xây dựng văn hóa tổ chức, tổ chức những buổi đọc sách định kỳ và tập yoga để tăng cường năng lượng và sự sáng tạo cho các thành viên. Anh cũng đề cao tinh thần học tập liên tục để phát triển bản thân một cách toàn diện.
Trong bối cảnh nền kinh tế gặp nhiều khó khăn vào nửa đầu năm 2025, khi gần 100.000 doanh nghiệp phải đóng cửa, ngành xăm cũng không tránh khỏi những ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên, nhờ sự kiên định và may mắn, thương hiệu Era Tattoo của Lê Sang vẫn trụ vững và thậm chí còn mở rộng thêm cơ sở.

Theo anh, mọi ngành nghề đều trải qua những thay đổi về thời thế, xu hướng và chu kỳ. Để phát triển bền vững, những người làm nghệ thuật cần tránh chạy theo những trào lưu nhất thời mà phải kiên định với con đường mình đã chọn. Anh tin rằng nghệ thuật chân chính sẽ luôn có một vị trí vững chắc trong lòng khách hàng.
“Con người chính là nguồn cảm hứng dẫn lối cho ‘Nghệ thuật tái sinh’,” anh khẳng định. “Ngoài việc phải làm tốt yếu tố chuyên môn, đáp ứng các tiêu chuẩn về mỹ thuật và kỹ thuật, bạn còn phải kể được một câu chuyện có ý nghĩa với khách hàng. Một hình xăm đẹp thôi là chưa đủ.”
Từ một đam mê nhỏ bé, Lê Sang đã nuôi dưỡng một giấc mơ lớn: biến studio Era Tattoo trở thành trung tâm sửa hình xăm lớn nhất châu Á, góp phần lan tỏa “Nghệ thuật tái sinh”. Anh hy vọng có thể truyền tải thông điệp đến thế hệ thợ xăm trẻ: hãy dám dấn thân, mạnh dạn hành động và tái định nghĩa vai trò của nghề xăm trong xã hội hiện đại.
“Bức tranh được vẽ trên da là một chất liệu cao quý, mang trong mình hơi thở của thời gian và vẻ đẹp của sự hữu hạn, giống như một đóa quỳnh nở trong đêm. Chính sự ngắn ngủi ấy càng làm cho nghệ thuật xăm trở nên độc đáo hơn,” anh chia sẻ thêm.
Admin
Nguồn: VnExpress