Trong một buổi chiều đầu tháng 6, khi ánh nắng vàng ruộm bao phủ không gian, tôi đã đặt chân đến Lombok, một hòn đảo tuyệt đẹp thuộc tỉnh Tây Nusa Tenggara của Indonesia. Điểm đến của tôi là một khu nghỉ dưỡng sang trọng, nằm ngay cạnh trường đua quốc tế Pertamina Mandalika, chỉ cách bờ biển vài bước chân.
Hằng năm, Ferrari tổ chức chuỗi sự kiện trải nghiệm xe độc đáo mang tên Ferrari Club Challenge, dành riêng cho những khách hàng đặc biệt. Sự kiện này bao gồm 5 chặng đua tại các đường đua danh tiếng khắp châu Á. Năm 2025, lịch trình dự kiến sẽ đi qua Sepang (Malaysia), Fuji (Nhật Bản), Buriram (Thái Lan), Everland (Hàn Quốc) và Mandalika (Indonesia).
Không phải ai có tiền cũng có thể tham gia Club Challenge của Ferrari. Để có cơ hội này, bạn phải là chủ sở hữu xe Ferrari và được lựa chọn bởi đại lý chính hãng, dựa trên mối quan hệ, niềm đam mê tốc độ và tình yêu với thương hiệu “ngựa chồm”.
Cơ hội đến với tôi nhờ nhiều năm gắn bó với cộng đồng Ferrari tại Việt Nam. Từ việc chăm sóc xe, chia sẻ kiến thức kỹ thuật, đến đồng hành trong các hành trình trải nghiệm và ra mắt xe Ferrari mới ở nước ngoài, tôi đã có cơ hội hiểu sâu hơn về thế giới Ferrari. Tôi là người Việt Nam thứ hai may mắn được trải nghiệm thế giới tốc độ thực sự của Ferrari trên đường đua.
Sau một đêm thư giãn tại khách sạn, những ngày tiếp theo là một bữa tiệc tốc độ đích thực. Những chiếc Ferrari 12Cilindri, có giá khoảng 424.000 USD và vừa ra mắt vào tháng 5/2024, đã sẵn sàng trên đường đua. Chỉ cần nghe âm thanh động cơ V12 hút khí tự nhiên thôi cũng đủ khiến người ta nổi da gà.
Khi nhấn ga, chiếc xe gầm rú và lao đi như một cơn gió trên đường thẳng. Dù đã lái nhiều siêu xe, tôi vẫn cảm thấy choáng ngợp trước gia tốc khủng khiếp của nó.
Động cơ V12 6.5L của Ferrari 12Cilindri, được lấy từ 812 Competizione, sản sinh công suất 830 mã lực và có thể đạt tới ngưỡng tua máy 9500 vòng/phút. Theo Ferrari, xe có khả năng tăng tốc từ 0-100 km/h trong 2,9 giây. Tuy nhiên, trong trải nghiệm thực tế, tôi không có đủ thời gian để nhìn vào đồng hồ tốc độ vì mọi thứ diễn ra quá nhanh.
Nhưng đó chỉ là màn khởi đầu. Điều thực sự kích thích những người tham gia là trải nghiệm với Ferrari 488 Challenge Evo, một mẫu xe được thiết kế dành riêng cho đường đua.
Ngay khi tôi đến trường đua Mandalika, một bộ đồ đua cá nhân hóa đã được chuẩn bị sẵn, từ bộ suit, găng tay, giày, đến mũ bảo hiểm và thiết bị bảo vệ cổ (HANS). Tất cả đều mang logo Ferrari và có tên tôi được thêu trên từng chi tiết.
Chiếc Ferrari 488 Challenge Evo được chăm sóc đặc biệt bởi một đội kỹ thuật chuyên nghiệp trước khi xuất phát. Họ kiểm tra mọi bộ phận tỉ mỉ, giống như những gì tôi thường thấy trên TV khi các đội đua F1 chuẩn bị, từ máy móc, áp suất lốp, chỉnh góc lái, phân tích nhiệt độ phanh, cho đến thiết lập chiến lược vòng chạy. Mọi thứ đều được điều chỉnh theo thời tiết, đường đua và phong cách lái của tôi. Khi mọi thứ đã sẵn sàng, không còn tiếng nói chuyện, không còn điện thoại, và không còn bất kỳ điều gì khác trong tâm trí.
Tôi bước vào khoang xe chật chội, cảm giác như không gian bị nén lại. Chiếc siêu xe không có ghế da, không radio, và khả năng cách âm rất kém. Thay vào đó là vô-lăng giống xe F1, dây đai đa điểm, và hệ thống đo từ xa (telemetry) để theo dõi dữ liệu từng góc cua và lực phanh.
“Xuất phát thôi”, huấn luyện viên ra hiệu lệnh qua bộ đàm. Tôi thúc ngựa ra trận. Chiếc xe lao đi mạnh mẽ.
Khi đang nhấn ga hết cỡ trên đoạn đường thẳng với tốc độ 200 km/h, tôi thấy một tấm biển lớn với con số 100. Đó không phải là biển báo giảm tốc độ xuống 100 km/h, mà là báo hiệu khoảng cách 100 mét từ biển báo đến khúc cua! Với tốc độ 200 km/h, 100 mét chỉ là khoảng 1,8 giây. Trong chưa đầy 2 giây đó, bạn sẽ làm gì?
Tôi nghĩ rằng, nếu là các siêu xe thương mại thường thấy như Ferrari, Lamborghini, McLaren, trong tình huống đó, 99% sẽ phải “tốn rất nhiều tiền” để sửa chữa vì xe chắc chắn sẽ lao ra khỏi đường đua. Bạn cần ít nhất 130-140 mét để giảm tốc độ về 0 hoặc 60 km/h để kiểm soát xe trước khi vào cua, đó là chưa kể đến kỹ năng của người lái.

Xe đua hoàn toàn khác xe thương mại. Nó có thể phanh hiệu quả ở những khoảng cách cực ngắn. Khả năng bám đường cũng giúp nó có tốc độ rất cao khi ôm cua. Tuy nhiên, quán tính văng rất lớn khi xe vào và thoát cua, lên đến vài G.
Giới hạn đó không dễ vượt qua đối với hầu hết mọi người. Lực G lên đến 2.2G khiến tôi choáng váng ngay ở vòng đầu tiên. Nội tạng như “nhào lộn” trong mỗi pha phanh gấp hay ôm cua tốc độ cao.
“Ai cũng vậy, anh chỉ cần vài buổi là quen”, huấn luyện viên Ferrari động viên. “Có người sau 5 vòng phải nằm nghỉ 2 tiếng đấy”.
Mỗi vòng chạy là một bài học, một lần điều chỉnh kỹ thuật từ tư thế lái, cách vào cua, cho đến thời điểm phanh. Tất cả đều được ghi lại bằng hệ thống telemetry và được các chuyên gia kỹ thuật phân tích ngay sau khi về pit. Cảm giác tiến bộ qua từng vòng chính là phần thưởng lớn nhất cho người lái.
Sau những giờ phút căng thẳng và đổ mồ hôi trên đường đua, bạn có thể thong thả thưởng thức espresso trong khu vực lounge, xem lại vòng chạy của mình, hoặc thư giãn với dịch vụ massage giãn cơ chuyên nghiệp tại chỗ.
Chi phí tham dự Ferrari Club Challenge không hề rẻ. Ngoài việc bạn phải là “người được chọn”, khách tham gia cần đóng các khoản phí khác. Ví dụ như phí thành viên khoảng 14.130 USD, phí tham gia mỗi chặng là 21.200 USD. Nếu tham gia trọn vẹn 5 chặng, con số này sẽ lên đến hơn 120.000 USD, tương đương hơn 3 tỷ đồng, chưa bao gồm các chi phí phát sinh khác.
Nếu khách hàng mua xe đua của Ferrari, hãng sẽ vận chuyển chiếc xe đó đến từng chặng, ở từng quốc gia khác nhau để họ trải nghiệm. Hãng chuẩn bị mọi thứ sẵn sàng, kể cả bộ đồ đua, các phụ kiện đi kèm cũng được giặt sạch và treo vào tủ đồ có tên của bạn. Việc của người tham gia chỉ đơn giản là vui vẻ thanh toán trước khi lên xe và tận hưởng niềm đam mê tốc độ.
Admin
Nguồn: VnExpress